Đầu năm lên chùa hái lộc tình xuân
Đặc biệt kính tặng đọc giả website Chùa A Di Đà
52 Bareena street, Canley Vale N.S.W 2166. Australia
Kính chúc chùa A Di Đà và tất cả đọc giả của chùa an khang, an lạc vô lượng trong năm mới.
*
Lê Huy Trứ
Internet Sutra, “Tâm xuân vũ trụ đều xuân, tâm bình thế giới đâu đâu cũng bình” là bức thông điệp bất hủ về một thế giới hoà bình hạnh phúc mà đức Phật đã long trọng gởi đến toàn thể nhân loại cách đây trên 2500 năm. Điều này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, làm nền tảng vững chắc trong việc xây dựng thiết lập trật tự hoà bình dài lâu vững chắc cho nhân loại. (Đi trong mùa Xuân, Thượng tọa Thích Thiện Đạo)
“Tâm tình vũ trụ đều xuân, tâm xuân thế giới đâu đâu cũng tình” Lê Huy Trứ
Nhà Thơ Tịnh Mạc viết: Trong đời yêu thơ và sáng tác thơ văn, cho đến ngày tôi nhắm mắt. Thì bài "Chùa Hương" này sẽ là một trong những bài thơ tôi yêu thích nhất. Yêu thích vì sự bình dị mà trong sáng. Lãng mạn mà chân thực từng câu từng chữ. Bài thơ rất hay sau khi phổ nhạc cũng rất hay (nhất là bài hát giữ nguyên bản của bài thơ.) Đây là một trong vài bài thơ mà tôi thuộc lòng từ lâu, xin tưởng niệm Cụ Nguyễn Nhược Pháp, 20 mấy tuổi thôi, sao cụ tài thế không biết.
Bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp lúc đó ông mới 20 tuổi, đi chùa Hương cùng với Nguyễn Vỹ và 2 người bạn gái, vì nhân duyên tình cờ gặp một bà cụ và cô gái quê ngây thơ xinh đẹp. Nhờ đó mà Nguyễn Nhược Pháp làm ra bài thơ tình cảm lãng mạng bất hủ nhưng lại rất tình cờ đầy Phật tánh. Một đoạn dưới đây diễn tã thời gian tương đối, mau chậm do tâm tạo, giữa cụ bà, cô gái và chàng trai tuy cùng ‘tâm điểm’ nhưng ‘tâm nhịp’ bất đồng. Cụ bà tin nếu nhất tâm năng cầu thì sẽ được, sở cầu tất đắc, đường còn lâu nhưng sở cầu Quan Thế Âm thì sẽ tha hồ đi mau. Cô gái niệm A Di Đà từ tâm bất loạn trở thành tâm bấn loạn khi bị cú sét ái tình cho nên tưởng mình cầu bất đắc, mong muốn đường càng lâu, thời gian chậm lại nhưng đường vẫn cảm thấy đi mau.
Cô ta suy bụng ta ra bụng chàng trai, người mà cô ta thương thầm trộm nhớ, tưởng chàng ta cũng đồng tình, đồng tâm với mình. Vậy thì tâm cang lẫn lòng dạ, bụng của chàng trai nghĩ gì? Chàng trai có biết bụng cô gái, tâm cụ bà hay suy bụng người ra bụng ta với bài thơ tưởng tượng đầy lãng mạn tính?
Me bảo: Đường còn lâu,
Cứ vừa đi ta cầu
Quan Thế Âm bồ tát
Là tha hồ đi mau!
(Nguyễn Nhược Pháp)
*
Không đúng, đường quá mau,
Niệm Nam Mô A Di Đà.
Là tha hồ mà mẹ bay
Thế nhé mẹ cứ cầu
(Lê Huy Trứ Phóng tác)
*
Em ư? Em không cầu,
Đường vẫn thấy đi mau.
Chàng cũng cho như thế.
Ra ta hợp tâm đầu
(Nguyễn Nhược Pháp)
*
Anh ư? Anh mong cầu
Đường thầy mẹ đi mau.
Em cũng mong như thế.
Ra ta biết ý nhau.
(Lê Huy Trứ Phóng tác)
Tác giả của cuốn sách nổi tiếng, ‘Tuấn, chàng trai nước Việt,’ Nguyễn Vỹ kể lại, "Bài thơ Chùa Hương là bài khá nhất trong tập thơ Ngày Xưa, có một lai lịch kỳ thú không ngờ. Chuyến đi Chùa Hương ấy, Nhược Pháp đi với tôi và hai cô gái nữa, đều là nữ sinh cả. Hai cô mang theo hai máy chụp hình, còn Nhược Pháp và tôi đều đi tay không. Trèo lên đến rừng mơ bỗng chúng tôi gặp một bà cụ vừa bước lên đèo, đường gồ ghề lởm chởm, vừa niệm: "Nam mô cứu khổ cứu nạn Quán Thế âm Bồ tát...". Cô gái quê có lẽ là con của cụ, cũng đang niệm câu ấy nhưng nửa chừng trông thấy chúng tôi là hai chàng trai nhìn cô trân trân thì cô bẽn lẽn làm thinh không niệm Phật nữa. Cô đang đọc: "Nam mô cứu khổ cứu nạn..." rồi cô im. Đôi má cô đỏ bừng, cô cúi mặt xuống. Hai đứa tôi hỏi cô: "Tại sao trông thấy chúng tôi, cô không niệm Phật nữa?" Cô gái quê có vẻ đẹp ngây thơ bỗng tỏ vẻ bối rối muốn khóc. Không ngờ hai cô bạn nữ sinh lén chụp được tấm hình hai đứa tôi đang hỏi chuyện cô gái quê, rồi có lẽ không bằng lòng chúng tôi nên hai cô lén đi trước, và đi lúc nào chúng tôi không hay biết, cũng chẳng nói năng gì với chúng tôi cả, bỏ chúng tôi ở lại với cô gái quê. Chúng tôi mê nói chuyện với cô này, một lúc sực nhớ lại hai cô bạn, chúng tôi vội vàng đi theo nhưng không kịp. Hai cô đã lên đến chùa Ngoài, rồi lên đến chùa Tiên Sơn, lẫn trong đám đông người, biến mất dạng. Đêm ngủ trong chùa Hương, sáng hôm sau ra về, chúng tôi mới gặp lại hai cô bạn đồng hành. Tôi phải xin lỗi mãi, nhưng Nhược Pháp cứ tủm tỉm cười không nói. Về Hà Nội, hai hôm sau, Nhược Pháp đem đến tôi bài thơ Chùa Hương, mà trong bản chép ra đầu tiên Nhược Pháp đề là Cô Gái Chùa Hương. Nhược Pháp lấy cuộc gặp gỡ lý thú của chúng tôi với cô gái quê làm đề tài và tưởng tượng thêm ra, thành bài thơ đẹp, giọng ngây thơ, y như cô gái chùa Hương hôm ấy..."
Có người còn suy tâm người ra tâm cô gái và bụng chàng trai, “Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện.”
Ngun ngút khói hương vàng,
Say trong giấc mơ màng
Em cầu xin Giời Phật
Sao cho em lấy chàng.
(Nguyễn Nhược Pháp)
Tâm của Nguyễn Nhược Pháp tạo ra bài thơ này không hẳn đó là tâm lòng của cô gái lẫn bà cụ. Cô gái không làm thơ, không viết ít hay nhiều. Đó là chưa kể những cái tâm khác của Nguyễn Vỹ và 2 cô bạn gái cùng đi với Nguyễn Nhược Pháp bị nhà thơ và bạn cùng bỏ rơi đi theo cô gái quê hay 2 cô đó bỏ rơi 2 tên cà chớn, cù lần, sống trong ảo tưởng của thơ mộng.
“Tình chỉ đẹp khi còn dang dỡ, đời kém vui khi đã vẹn câu thề!” Tình đẹp khi đắc hay không đắc và đời vui hay buồn khi vẹn thề hay không vẹn thề chỉ toàn ở trong tâm tưởng của những nhà thơ sống trong ảo tưởng như Nguyễn Nhược Pháp thời đó bị ảnh hưởng bởi phong trào yêu đương lãng mạng từ văn hóa của Âu Châu/Pháp thích thú thương đau.
Tâm ái tình tạo Tâm thất tình!
Hoa nở để rồi tàn,
Trăng tròn để rồi khuyết.
Bèo hợp để rồi tan,
Người gần để ly biệt.
(Xuân Diệu)
Tôi xin suy theo quan ‘điểm tâm’ tôi ra ‘tâm điểm’ của người, có thể duyên nghiệp nó cũng như thế này:
Ái Biệt Khổ và Ái Ái cũng khổ qua những câu ca dao Huế nhân đầu xuân Bính Thân thương tặng cho những người đã đạp lên đời tôi, bây chừ không biết mấy mụ ở mô, đi mô mà đi mãi không về ác như rứa, nở để tui ‘Tâm Không giá lạnh,’ vô tình dữ sợ, nở nào không ‘dớ’ tui cho đành:
Anh bên ni, quét lá đa, lòng vừa thương vừa dớ,
Em bên nớ, hốt lá vàng, dạ vừa khổ vừa sầu,
Biết răng chừ mình, quá tương giang, gặp mặt lại nhau?
Rị mọ phân giải, cùng dắc dở, mấy câu xuân tình.
(Lê Huy Trứ)
Hình ảnh thêm về Đầu năm lên chùa hái lộc tình xuân