Ngài xuất thân từ một gia đình nghèo khó, 6 tuổi mẹ mất, ở với phụ thân, năm 12 tuổi (1678) Ngài phát tâm xuất gia tu hành, được thân phụ đưa Ngài đến chùa Hội Tôn, thọ giáo với Hòa thượng Tế Viên (người Hoa) được 7 năm thì Hòa thượng viên tịch.
Tuổi đời còn nhỏ, tuổi đạo chưa cao, với quyết tâm cầu đạo, Ngài không quản ngại gian lao tầm đường ra đất Thuận Hóa đến núi Hàm Long chùa Thiên Thọ (Báo Quốc) cầu học với Giác Phong lão tổ (người Hoa), đó là năm Canh Ngọ (1690). Vừa tròn 1 năm, đến năm Tân Mùi (1691), Ngài phải bái biệt Giác Phong lão tổ để trở về quê hương phụng dưỡng cha già đau yếu. Hàng ngày, Ngài phải lên núi đốn củi đem về chợ đổi gạo nuôi cha, chạy thầy, lo thuốc, chăm sóc phụ thân được 4 năm thì thân phụ qua đời.
Năm Ất Hợi (1695), Ngài trở ra Thuận Hóa để tiếp tục việc tu học, cùng trong năm này Ngài thọ Sa di giới với Hòa thượng Thạch Liêm (người Hoa).
Năm Đinh Sửu (1697), Ngài thọ Đại giới với Hòa thượng Từ Lâm (người Hoa).
Năm Kỷ Mão (1699), Ngài bắt đầu cuộc hành trình tham vấn cầu đạo khắp các thiền lâm, chịu bao nhiêu điều khó khăn đạm bạc. Đến năm Nhâm Ngọ (1702), Ngài đến núi Long Sơn chùa Ấn Tôn (Từ Đàm) bái yết Tử Dung Hòa thượng cầu dạy pháp tham thiền. Hòa thượng Tử Dung dạy Ngài tham cứu câu:
“Vạn pháp quy nhất, nhứt quy hà xứ?”
(Muôn pháp về một, một về chỗ nào?)
Được câu tham cứu ấy, Ngài trở về đất Phú Yên chùa Hội Tôn (Cổ Lâm) ngày đêm tham cứu ròng rã 6 năm trời mà vẫn chưa lãnh hội được pháp, lòng lấy làm hổ thẹn vô cùng… Một hôm, nhân đọc sách Truyền Đăng Lục đến câu:
“Chỉ vật truyền tâm nhân bất hội xứ”.
Thoạt nhiên Ngài tỏ ngộ, lòng vui khôn xiết, nhưng núi sông cách trở, Ngài không thể ra Huế để trình sở ngộ với Hòa thượng Tử Dung được.
Đến mùa xuân năm Mậu Tý (1708), Ngài trở ra Long Sơn cầu Hòa thượng Tử Dung ấn chứng. Ngài đem chỗ sở ngộ mỗi mỗi trình bày, Ngài nói đến câu:
“Chỉ vật truyền tâm nhân bất hội xứ”
Hòa thượng Tử Dung liền nói:
“Huyền nhai tán thủ tự khẳng thừa đương
Tuyệt hậu tái tô khi quân bất đắc”
(Hố thẳm buông tay tự mình cam chịu
Chết đi sống lại dối khinh được nào)
Liền đó Ngài vỗ tay cười ha hả…
Hòa thượng Tử Dung nói:
Chưa nhằm
Ngài Liễu Quán nói:
“Bình chùy nguyên thị thiết”
(Quả cân vốn bằng sắt)
Hòa thượng Tử Dung nói:
Cũng chưa đúng.
Nói xong Hòa thượng Tử Dung trở vào phương trượng.
Ngài Liễu Quán trầm tư lặng lẽ về liêu…
Sáng hôm sau, Hòa thượng Tử Dung gọi ngài Liễu Quán đến bảo:
Chuyện ngày qua chưa xong nói lại xem sao?
Ngài Liễu Quán nói:
“Tảo tri đăng thị hỏa, phạn thục dĩ đa thì”
(Sớm biết đèn là lửa, cơm chín đã lâu rồi)
Hòa thượng Tử Dung khen ngợi chỗ khế ngộ của Ngài.
Sau đó, Ngài Liễu Quán vào núi Thiên Thai lập am tu thiền. Hằng ngày Tổ sống khắc khổ, đạm bạc bằng vật thực mọc ở ven hồ chẳng cần lương thực gì khác. Chỉ chừng ấy công hạnh đủ làm gương sáng cho đàn hậu thế noi theo.
Mùa hạ năm Nhâm Thìn (1712), Hòa thượng Tử Dung vào Quảng Nam để dự lễ toàn viện (hội chư sơn). Ngài Liễu Quán đem trình bài kệ Dục Phật.
Hòa Thượng Tử Dung hỏi:
“Tổ Tổ tương truyền Phật Phật thọ thọ,
Vị thẩm truyền thọ cá thậm ma?”
(Tổ Tổ nối truyền nhau, Phật Phật trao cho nhau,
Chẳng biết các Ngài truyền trao cái gì?)
Ngài Liễu Quán nói:
“Thạch duẩn trừu điều trường nhất trượng
Quy mao phất tử trọng tam cân”.
(Búp măng đá dài trên một trượng
Lông rùa làm chổi nặng ba cân)
Hòa thượng Tử Dung tiếp:
“Cao cao sơn thượng hành thiền
Thâm thâm hải để tẩu mã”
(Lung linh nước chảy qua đèo
Ngựa đua dưới biển thuyền chèo trên non)
Ngài Liễu Quán đáp:
“Chiết giác nê ngưu triệt dạ hống
Một huyền cầm tử tận nhật đàn”
(Trâu đất gãy sừng thâu đêm rống
Đờn cầm dây đứt suốt ngày rung)
Ngài biện tài lanh lẹ, trôi chảy nên Hòa thượng Tử Dung rất lấy làm vui mừng ấn khả.
Trú xứ hóa duyên của Ngài rất rộng, Ngài thường xuyên ra vào Huế, Phú Yên để hóa đạo. Từ năm Canh Dần (1710) đến năm Tân Sửu (1721), Tổ đã chống tích trượng đi khắp nẻo làng quê của đất Phú Yên từ hòn Mõ, ra tận hòn Chuông để hoằng hóa chánh pháp, tiếp Tăng độ chúng, khai lập chùa chiền. Tổ đã khai sơn chùa Bảo Tịnh tại Tuy Hòa. Nơi đây, Tổ đã độ được các vị đệ tử xuất gia đắc pháp như:
+ Ngài Tế Hẩu kế truyền chùa Bảo Tịnh.
+ Ngài Tế Duyên khai sơn chùa Kim Cang.
+ Ngài Tế Căn khai sơn chùa Hồ Sơn.
+ Ngài Tế Dũng khai sơn chùa Bình Quang.
+ Ngài Tế Hoán khai sơn chùa Dương Long.
+ Ngài Tế Thường khai sơn chùa Vĩnh Xương.
Đến năm Nhâm Dần (1722), Ngài trở ra Huế cùng với vị đệ tử út tên là Tế Vĩ trụ tại Thiên Thai Huyền Tôn tự tiếp tục việc hoằng hóa ở đất Thần Kinh.
Năm Qúi Sửu (1733), năm Giáp Dần (1734) và năm Ất Mão (1735), Ngài được sự thỉnh cầu của các tông môn ở Huế, chứng minh các Đại giới đàn tại đây.
Năm Canh Thân (1740), Ngài tấn đàn Long Hoa phóng giới cho đàn hậu tấn. Thời ấy chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765) rất mến đạo hạnh của Ngài nên thường đến Chùa Viên Thông đàm đạo và thỉnh Ngài vào cung để bàn luận Phật pháp nhưng Ngài từ chối khéo không vào.
Mùa Xuân năm Nhâm Tuất (1740), Ngài làm Hòa thượng Đàn đầu cho Đại giới đàn tại chùa Viên Thông.
Các vị đệ tử đắc pháp của Tổ tại Huế gồm có:
+ Ngài Tế Vĩ (theo Tổ từ Phú Yên ra): khai sơn chùa Đông Thuyền
+ Ngài Tế Hiệp Hải Điền: kế truyền Tổ, trụ trì Thiên Thai Thuyền Tôn.
+ Ngài Tế Mẫn Tô Huấn: trụ trì Thiên Thai Thuyền Tôn sau khi ngài Tế Hiệp tịch.
+ Ngài Tế Nhơn Hữu Bùi: trụ trì chùa Báo Quốc.
+ Ngài Tế Ân Lưu Quang: cùng ngài Tế Nhơn trùng hưng chùa Báo Quốc.
+ Ngài Tế Hiển Trạm Quang: hành đạo tại Thiên Thai Thuyền Tôn.
+ Ngài Tế Phổ Viên Trì: trùng hưng chùa Viên Thông.
+ Ngài Tế Ngữ Chính Dõng: trùng hưng chùa Từ Lâm.
Cuối tháng 11 năm Nhâm Tuất (1742), trước khi thị tịch, Ngài viết bài kệ từ biệt rằng:
“Thất thập dư niên thế giới trung,
Không không sắc sắc diệc dung thông,
Kim triệu nguyện mãn hoàn gia lý,
Hà tất bôn mang vấn tổ tông”
(Ngoài bảy mươi năm trong thế giới,
Không không sắc sắc thảy dung thông,
Ngày nay nguyện mãn về nơi cũ,
Nào phải ân cần hỏi tổ tông!).
Sau khi viết bài kệ xong, Ngài bảo môn đồ rằng: “Sau khi ta đi, các ngươi phải nghĩ cơn vô thường nhanh chóng, cần phải siêng năng tu học trí tuệ, các ngươi hãy nên gắng tới chớ bỏ quên lời ta.”
Sáng ngày 22 tháng 11 năm Nhâm Tuất (1742), Ngài vẫn dùng trà và đàm đạo cùng các đồ đệ. Đến quá trưa, Ngài hỏi mấy giờ. Các đồ đệ thưa: Giờ Mùi.
Ngài dạy rằng:
“Nhơn duyên đã mãn, ta sắp đi đây”.
Khi ấy các môn đồ đều than khóc, ngài dạy rằng: “Các ngươi than khóc làm chi. Chư Phật ra đời còn nhập Niết bàn, ta nay đi lại rõ ràng, về tất có chỗ; các ngươi không nên buồn thảm lắm”.
Thế rồi… Ngài vui vẻ thị tịch, thọ 76 tuổi. Phủ đường chúa Võ Vương hay tin, đích thân đến chùa Viên Thông lễ bái và ban cho Ngài tứ hiệu:
Tổ đã về nơi cũ, để lại cho môn đồ tứ chúng biết bao hoài niệm, tiếc thương, long tôn sung kính ngưỡng cảm động đến đất trời nên đã có thơ cảm thán rằng:
“Chung tuần Ngự lãnh vân vị tán
Mãn nhật Hương giang thủy bất lưu”
(Núi Ngự bảy ngày mây chẳng rã
Sông Hương ngày trọn nước chẳng trôi).
Nhục thân Tổ Liễu Quán tôn trí tại bảo tháp chùa Thuyền Tôn, núi Thiên Thai, Huế. Ngôi bảo tháp được chúa Nguyễn Sắc làm bia và xây dựng kiên cố, trải qua thời gian hơn hai thế kỷ mà vẫn giữ vẻ uy nghiêm mỹ lệ. Trụ bia bảo tháp còn ghi đậm nét câu đối:
“Bảo đạt trường minh bất đoạn môn tiền lưu lục thủy
Pháp thân độc lộ uy nhiên tọa lý khán thanh sơn”
(Tiếng mõ vang lừng trước ngõ tuôn trào dòng suối biếc
Pháp thân vòi vọi quanh tòa cao ngất dãy non xanh)
Tổ Liễu Quán là thiền sư nổi tiếng ở Việt Nam, thuộc phái Lâm Tế chánh tông, đời thứ 35. Tổ đã biệt xuất dòng kệ mà Tăng tín đồ miền Trung, miền Nam ngày nay hầu hết đều thuộc lòng dòng Lâm Tế này.
Bài kệ của Tổ Liễu Quán:
“Thiệt tế đại đạo
Tánh hải thanh trừng
Tâm nguyên quảng nhuận
Đức bổn từ phong
Giới định phước huệ
Thể dụng viên thông
Vĩnh siêu trí quả
Mật khế thành công
Truyền trì diệu lý
Diễn xướng chánh tông
Hạnh giải tương ứng
Đạt ngộ chơn không”
Bài kệ của Tổ bắt đầu từ hai chữ “Thiệt tế”. Hai chữ này nằm trong bài kệ dòng Lâm Tế chánh tong, đời thứ 21 của Thiền sư Vạn Phong Thời Ủy chùa Thiên Đồng (Trung Hoa) được truyền vào Việt Nam.
Bài kệ đó là:
“Tổ đạo giới định tôn
Phương quảng chứng viên thong
Hạnh siêu minh thiệt tế
Liễu đạt ngộ chơn không”.
Tương truyền rằng: Có lần Tổ đi từ Phú Yên ra Huế, Tổ nghỉ đêm ở miếu Thành Hoàng xóm Ngũ Tây, thần trong miếu phải nhường chỗ nên xuống xóm báo mộng cho hương chức, dân làng biết là có vị Tháng Tăng đang nghỉ đêm trong miếu, sang mai phải đến đó đón rước Ngài về bổn sở thì ta mới về miếu được. Sáng sớm, dân chúng tập trung áo mão chỉnh tề, đến miếu thì thấy Tổ đang thiền định, hỏi ra mới biết Tổ từ Phú Yên ra chiều qua. Để chứng minh lời vị Thành Hoàng báo mộng, sau đó có người ghi rõ ngày giờ vào Phú Yên để hỏi thăm thì quả đúng là trưa hôm ấy Tổ có dự trai đàn tại Phú Yên được nhiều người chứng kiến, thế mà đế chiều Tổ đã có mặt ở Huế. Từ đó, người đời tin Ngài có thần túc thông và hết sức kính ngưỡng.
Lại có vịnh tán thán Tổ:
“Phú Yên thánh địa sinh nhơn kiệt
Bạc Mã Đồng Xuân Tổ hiện thân
Truyền thừa Lâm Tế tam thập ngũ
Tổ ấn Việt Nam nhất tông chi”
Tổ vào đời bằng một nguyện lực, với hạnh nguyện của một vị bồ tát, Tổ đã vào ra bằng một cung cách an nhiên tự tại:
“Kim triệu nguyện mãn hoàn gia lý
Hà tất bôn mang vấn tổ tông”
Đạo hạnh của Tổ thật to lớn, cao dày, không ngôn ngữ nào có thể diễn đạt trọn vẹn (ngôn ngữ đạo đoạn). Ngôn ngữ của chúng ta sẽ vụng về trước cái công đức to lớn “Hành vô hành hành” của Tổ. Mặt khác, các Tổ xưa thì chuyên tu giải thoát không màng lịch sử, điều này làm hạn chế rất nhiều cho chúng ta. Tìm đọc lại lịch sử của Tổ là một trong những muôn ngàn cách biểu lộ sự tri ân đối với người đã dày công trong công cuộc hoằng truyền đạo pháp. Ngài đã để lại cho Tăng tín đồ Phật giáo Việt Nam một trang sử thường hằng trong dòng diệt sinh, sinh diệt.
Hình ảnh thêm về Đức Tổ sư Liễu Quán