Sáng nay (08/06/2021) sau buổi điểm tâm, tôi lái xe đến siêu thị. Đường phố dường như đã mất bóng náo nhiệt thường ngày như trước đây, Những cửa hàng ẩm thực lớn, nay đành làm chiếc xe hàng rong để ra phía trước treo biển “Chỉ bán mang về”. Được biết 15 tỉnh thành khác, gần nhất là TP HCM đang căng mình chống dịch, riêng ở thành phố Biên Hòa, sáng nay báo đưa tin chỉ mới phát hiện một ca nhiễm Covid 19 tại khu công nghiệp Amata, mọi người đã nhốn nháo lên rồi, nhưng nơi tôi sinh sống là tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu vẫn chưa có một F0 nào, nên chưa có nơi nào bị phong tỏa, cách ly. Bỗng dưng tôi cảm niệm phước đức được cộng nghiệp trong cộng đồng, được biệt nghiệp trong cả nước.
Bánh xe vẫn lăn, dòng tưởng của tôi không dừng cảm niệm nhưng dừng lại ở câu hỏi vì sao mình được phước đức an khang (Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giảng rằng ngũ phúc là năm thứ hạnh phúc gồm: phú (giàu), quý (sang), thọ (sống lâu), khang (mạnh khỏe) và ninh (bình an) ), tức là yên ổn trong môi trường sống hiện nay? Theo quan kiến Phật đà, nhất là luật tắc Nhân Quả, đương nhiên tôi đã gieo điều lành, tránh điều dữ, làm điều thiện gì gì đó, để hiện nay gặt quả này!
Tiếng chuông điện thoại réo gọi tôi trở về thực tại khi người bạn già cười lớn vì thú vui lái xe kỳ lạ đã đeo bám tôi từ năm 2013 đến tận hôm nay, vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Song, đừng vội chê trách tôi trong bối cảnh này bởi vì dù ở đâu, làm gì, bằng phương tiện gì, tôi vẫn cầu nguyện cho chúng sanh gọi là “Bồ đề tâm định quán”. Trước khi chuẩn bị lăn bánh, tôi cầu nguyện mình khởi hành trên con đường giải thoát cho tất cả chúng sanh. Trên đường đi gặp khổ cảnh dân tình, tôi cầu nguyện cho khổ đau của chúng sanh được lắng dịu. Khi thấy cảnh vui, những gì đem lại an lạc, hoan lạc, hỷ lạc, tôi cầu nguyện tất cả chúng sanh thành tựu hạnh phúc Phật tánh.
Là người đi theo con đường Tĩnh thức của Đức Phật, trên viễn trình Giác ngộ đầy những cung đường gập ghềnh sóng gió Bát phong, tôi hiểu rằng phước đức chỉ là hạn cuộc trong 6 nẻo luân hồi. Không ngẫu nhiên trong kinh A mi đà Phật, đức Thế tôn khuyến cáo như sau: “Này Xá lợi phất, đừng nghĩ rằng chỉ một số phước đức mà được vãng sanh về Tây phương Cực lạc đâu!”. Từ sau chiêm nghiệm huấn dụ của Ngài, tôi dạy môn đồ cần tích lũy công đức là giai đoạn song hành với hành trạng khai tuệ. Làm phước là tốt, là thiện nhưng chưa đủ bởi ngoại đạo vẫn làm nhiều đó thôi! Hành vi phước thiện theo tôi nghĩ chỉ giải quyết phần ngọn, chưa thể bồi bổ cho phần gốc, là nền tảng của quả thơm trái ngọt! Vấn đề mấu chốt là ở chỗ những người làm phước bị rơi vào một trong 14 trường hợp gọi là “thất bại trầm trọng của một người tu” mà tôn giả Gampopa đã khuyến cáo: ““Bố thí và làm từ thiện với những vật dụng, tiền tài có được bằng trộm cắp, cướp đoạt hay lừa đảo cũng giống như giặt áo da cừu trong nước...”.. (trích 14 thất bại trầm trọng của một người tu). Nếu xét trên quan điểm thiền lý người làm phước ấy mới được 2 trong 3 là “thể, dụng” nhưng thiếu “tánh”. Cũng đúng thôi khi mà người ta dùng bất kỳ những gì có thể để làm thiện, làm phước; hoạt động bất kỳ bằng phương thức nào dù rằng nhờ người khác thay mình đem tiền bố thí, cứu trợ sau khi quyên góp từ cộng đồng. Song, “tánh” là nội hàm của nguyên lý Nhân Quả, quan kiến đạo Phật trên nền tảng chánh kiến và tuệ tri thực nghĩa lúc bấy giờ gọi là công đức, thì đa phần có thể nhiều nhà từ thiện (Phật pháp và phi Phật pháp) không quán triệt. Sẵn đây tôi trích dẫn lại một giai thoại trong kinh Trường A Hàm : “Bà la môn tên là Cứu La Đàn Đầu thiết lễ đại tế cầu đại phúc báo với 500 con bò đực, 500 con bò cái, 500 con bê cái, 500 con dê con, 500 con dê thiến. Hay tin Đức Phật đến địa phương mình, ông ta tìm đến hỏi xem 3 cách tế tự, 16 đồ tế của các bậc tổ tiên ngày trước là như thế nào mà thu được đại phúc? Đức Phật chỉ rõ cho vị Bà la môn kia hiểu rằng các cách tế tự cầu phước của đạo Bà la môn dù nhiều tài vật, thực phẩm, xúc vật đến đâu đi nữa cũng không bằng làm phước cúng dường cho Chư Tăng đạo Phật. Sau đó, Phật nói về các cấp độ hưởng phước tăng dần tiệm tiến (cách sau hơn cách trước) như sau: Xây cất Tăng phòng cho du tăng tá túc; xướng ngôn “Con quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng”; thọ trì 5 giới cấm (cấm sát sanh, cấm trộm cắp, cấm vọng ngữ, cấm tà dâm, cấm dùng chất gây nghiện); thiền quán tâm từ thương tưởng hết thảy chúng sanh trong khoảng thời gian vắt xong sữa bò; xuất gia tu hành theo Phật pháp, giới đức đầy đủ, chứng được A la hán quả...”.
Từ điểm tham chiếu này, chúng ta nhận thức được thực nghĩa giá trị của cái gọi là “cầu phước”, “làm phước” chỉ bằng cách “bố thí”, “cúng dường”. Song, Đức Phật dạy “Duy tuệ thị nghiệp” thì rõ ràng chút phước đức sẽ chẳng vào được cõi Tây Phương, chỉ có thể dùng công đức làm nền tảng khai tuệ, rồi dần dần đến bờ giác như Đức Phật dạy trong kinh “Vị tằng hữu thuyết nhân duyên” : “Luận như người nay cầu phước muốn khỏi tội lỗi, cần phải khiêm tốn và tinh cần gần gũi minh sư tu tập trí huệ; ăn năn nghiệp chướng, cải bỏ những việc ác đã qua, sửa làm những việc lành sắp đến. Từ đây dần dần thành tựu trí huệ, vì thành tựu được trí huệ nên tiêu hết các tội”.
Từ đây tôi ngẫm lại tâm pháp Thanh Trí qua “Bồ đề tâm định quán” thực sự là đường tắt đến thành phố giải thoát bằng hoạt dụng Bồ đề bao gồm cả công đức và trí huệ song hành. Nếu chịu kiếp nghèo nhưng có trí tuệ Phật đà, tôi sẵn lòng giống như Khổng Tử nói: “Nếu được làm người quân tử, ta sẵn sàng làm kẻ xà ích” ! Tôi cầu nguyện tất cả chúng sanh thành tựu hạnh phúc Phật tánh. Om mani padme hum!
Chiều mưa trên đỉnh Phù Vân ngày 08/06/2021
Thinley- Nguyên Thành
Hình ảnh thêm về HÀNH TRANG PHƯỚC ĐỨC CHƯA ĐỦ LÊN ĐƯỜNG ĐẾN THÀNH PHỐ GIẢI THOÁT