Được miêu tả trong nhiều nền văn hóa khác nhau, cả thân nam lẫn nữ giới, Quan Thế Âm là một trong những vị Bồ tát được tôn kính thờ phụng rộng rãi nhất trong Phật giáo Đại thừa, cũng như không chính thức trong Phật giáo Nguyên thủy.
Tên nguyên bản tiếng Phạn của vị Bồ tát này là Avalokiteśvara. Tên tiếng Hán Quán Thế Âm Bồ Tát (觀世音菩薩) được phiên dịch từ tên tiếng Phạn này, "Avalokiteśvara Bodhisattva". Bồ tát này thường được mô tả dưới nhiều dạng thân nam hay nữ và cũng có thể được biết đến với tên gọi đơn giản là Quan Âm.
Trong Bát Nhã Tâm Kinh, vị Bồ tát này mang tên là Quán Tự Tại dựa trên pháp môn tu tập của ngài. Khi quán chiếu thâm sâu vào chính mình, ngài nhận thấy năm uẩn không có tự tính và đều là giả tạm, ngộ ra được điều đó, ngài vượt thoát tất cả mọi khổ đau ách nạn.
Trong các loại tranh và thánh tượng về Quán Thế Âm, người ta thấy có 33 dạng, khác nhau về số đầu, tay và các đặc tính. Thông thường ta thấy tượng Bồ Tát có ngàn tay ngàn mắt, có khi 11 đầu. Trên đầu có khi có tượng A-di-đà, xem như đặc điểm chính. Trên tay có khi thấy Bồ Tát cầm hoa sen hồng, vì vậy nên Quán Thế Âm cũng có tên là Liên Hoa Thủ (người cầm hoa sen, sa. padmapāṇi) hay nhành dương liễu và một bình nước Cam-lộ (sa. amṛta). Số tay của Bồ Tát biểu hiện khả năng cứu độ chúng sinh trong mọi tình huống.
12 Đại nguyện
Nguyện thứ nhất: Phật Viên Thông Thánh Tự Tại, Quan Âm Như Lai rộng phát hoằng thệ nguyện.
Nguyện thứ hai: Quyết một lòng không sợ khó, Quan Âm Như Lai thường vào Biển Đông nguyện.
Nguyện thứ ba: Ở Ta bà, vào Địa phủ, Quan Âm Như Lai cứu vớt chúng sanh nguyện.
Nguyện thứ tư: Diệt tà mà trừ yêu quái, Quan Âm Như Lai dứt trừ nguy hiểm nguyện.
Nguyện thứ năm: Tay cầm tịnh bình, tay cầm nhành dương liễu, Quan Âm Như Lai ban nước cam lồ nguyện.
Nguyện thứ sáu: Đại Từ bi, Đại Hỷ xả, Quan Âm Như Lai oán thân bình đẳng nguyện.
Nguyện thứ bảy: Suốt ngày đêm luôn quán sát, Quan Âm Như Lai diệt trừ đường ác nguyện.
Nguyện thứ tám: Phổ Đà Sơn thường lễ bái, Quan Âm Như Lai gông cùm đứt rã nguyện.
Nguyện thứ chín: Tạo pháp thuyền vào biển khổ, Quan Âm Như Lai độ tận chúng sanh nguyện.
Nguyện thứ mười: Tiền Tràng phan, hậu Bảo cái, Quan Âm Như Lai tiếp dẫn Tây phương nguyện.
Nguyện thứ mười một: Vô Lượng Thọ cảnh giới, Quan Âm Như Lai Di Đà thọ ký nguyện.
Nguyện thứ mười hai: Thân trang nghiêm, tâm sáng suốt, Quan Âm Như Lai tròn đủ mười hai nguyện.
Chân ngôn và Đà-la-ni
Oṃ Maṇi Padme Hūṃ (chữ Devanāgarī: ॐ मणि पद्मे हूं, tiếng Tây Tạng: ཨོཾ་མ་ནི་པ་དྨེ་ཧཱུྃ་) là một câu Chân ngôn tiếng Phạn, được xem là chân ngôn cầu Quán Thế Âm Bồ Tát và là chân ngôn quan trọng và lâu đời nhất của Phật giáo Tây Tạng. Nó còn được mệnh danh là "Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn" tức là "Chân ngôn sáng rõ bao gồm sáu chữ".
Đại Bi Tâm Đà La Ni (Mahā Karuṇā Dhāranī, महा करुणा धारनी), là bài chú căn bản minh họa công đức chứng quả của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát do chính ngài thuyết.
Hàng ngày, khi bình tâm chúng ta thử quan sát sẽ thấy: Không có gì rộn rã bằng âm thanh trong thế gian. Mỗi sát-na phút giây nhất định đã có không biết bao nhiêu loại âm thanh trỗi dậy, ở mỗi người. Dù đối lập nhau nhưng cứ phải gợi hình gợi bóng sóng đôi nhau: tiếng buồn - tiếng vui, tiếng khổ đau - tiếng hạnh phúc, tiếng hy vọng - tiếng tuyệt vọng, tiếng thăng - tiếng trầm, tiếng được - tiếng mất… Tiếng nào cũng nhiều cung bậc. Âm thanh nào cũng nhiều thanh âm.
Ở trong phạm vi hữu hạn của thế giới nhị nguyên, mọi âm thanh đều là tên gọi của một giới hạn và mọi cung bậc thanh âm đều mang giá trị tạm thời. Vượt thắng mọi âm thanh kia của thế gian là âm thanh của chân như.
Hạnh Quán Âm là hạnh “tầm thanh cứu khổ nạn”, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu.
Hạnh Quán Âm là hạnh “linh cảm ứng”. Bồ-tát đem mắt thương nhìn chúng sanh, lắng nghe chúng sanh nhiều khổ đau, hoạn nạn, chưa từng thôi bỏ, chưa từng tạm nghỉ. Có hạnh phúc nào hơn khi có một nơi bất cứ lúc nào cũng có thể đến, có một người lúc nào cũng sẵn lòng lắng nghe mình! Bao nhiêu buồn khổ cũng nhẹ nhàng tan.
Học hạnh Quán Âm chính là học hạnh nguyện lắng nghe của Ngài. Mỗi sinh mạng con người hiện hữu trong thế gian đều mang theo nghiệp lực riêng của mình. Buồn vui kiếp người có thể hao hao giống nhau nhưng không ai giống ai cả. Lắng nghe chính mình để thấy mình, hiểu mình. Chưa hẳn mỗi người đều thấy được “gương mặt” thật của chính mình, đôi điều biết là sai, là xấu ác nhưng vẫn bảo vệ chính mình như một tất yếu. Lắng nghe mình, rồi bạn sẽ thấy bạn thật sự muốn gì, cần gì. Những gì mình muốn, mình cần có chính đáng không? Rồi với những cố gắng, những đánh đổi để đạt tới những thứ mình muốn, mình cần đó mình sẽ thế nào, sẽ đi về đâu…? Lắng nghe chính mình trong từng móng tâm động niệm, lúc đó ta mới thực sự sống vì chính ta chứ không phải vì những nhãn hiệu phù phiếm hoa mỹ khác của thế gian.
Lắng nghe mình thì cũng lắng nghe được người khác, hiểu được người khác. Bên ngoài vẻ mặt, hình dáng khác nhau nhưng hạt giống tâm hầu như giống nhau: ganh ghét, đố kỵ, yêu thương và muốn được yêu thương… Cho nên cả những thứ khó chấp nhận ở đời cũng cần được cảm thông, chia sẻ. Lắng nghe người khác, chẳng phải chỉ người khác được vui mà chính mình cũng sẽ được sống trong cộng đồng thân ái, an vui.
Hình ảnh thêm về Quán Thế Âm tầm thinh cứu khổ