Nhịp sống ngày càng tất bật rượt đuổi các nhu cầu, hội nhập, công nghệ mới, các trào lưu âm thầm thúc đẩy sự đổi thay ở mỗi con người, có khi nhích xa dần nguồn cội văn hóa, từ ngôn ngữ đến thời trang, nếp nghĩ, lễ nhạc cùng các giá trị truyền thống khác.
Tết nguyên đán- một giá trị truyền thống căn bản- tạo cơ hội gia giảm nhịp điệu hối hả của đời sống, quay về nguồn cội qua sinh hoạt tết: cúng kiếng tổ tiên, thăm viếng họ tộc, tảo mộ, tham gia các lễ hội truyền thống, dùng trang phục dân tộc, chế biến và thưởng thức ẩm thực đúng cách quê cùng bao nhiêu hoạt động khác mang tính văn hóa của sự về nguồn.
Anh Lưu Văn Ba, 55 tuổi, buôn bán ở quận 5 TP HCM: túi bụi công chuyện suốt cả năm, chỉ có dịp tết mới thu xếp được đưa các con về thăm hai bên nội ngoại, thắp hương ban thờ gia tiên, may cho con gái 14 tuổi áo bà ba như yêu thích để diện… Về nguồn văn hóa còn như chia sẻ của bạn Hoàng Tấn Phúc, sinh viên năm ba: tụi cháu đi chơi phố Ông Đồ, xin chữ, viết thư pháp, mặc áo dài khăn đóng hẳn hoi. Chỉ có dịp tết mới được như vậy…
Dịp tết, trong khói hương thiêng liêng, đại gia đình tề tựu sum vầy, các bậc cao niên kể truyền thống họ tộc làng xã, răn dạy đạo Thánh hiền, nhắc nhở giữ gìn nếp cũ, đấy thực sự về nguồn với các bạn trẻ vốn thấm nhập nhiều đời sống mới, có phần sính công nghệ cùng các trào lưu. Bạn Nguyễn Kiều Trang, 21 tuổi, sinh viên: tết nào tụi cháu trong nhóm cũng sắp lịch đi thăm viếng các di tích cổ trong thành phố như Lăng Đức tả quân Lê Văn Duyệt, có năm đi tới viếng Lăng Thoại Ngọc Hầu ở Núi Sam – An Giang, đứa nào cũng súng sinh áo dài dân tộc, do học ngành sử nên nếp ấy của tụi cháu rát hữu ích, lại tạo sinh khí đẹp cho những ngày xuân.
Cội nguồn văn hóa bàng bạc trong lễ nhạc, nghi thức, trang phục, ẩm thực, ngôn ngữ… có dịp bừng nở lung linh đẹp như Mai vàng trong những ngày tết nguyên đán, và đó là nguồn cội văn hóa đáng trân quý, qua thế hệ trẻ kế tục được giữ gìn hoài cùng thời gian.
Nguyễn Thành Công
Hình ảnh thêm về TẾT NGUYÊN ĐÁN: DỊP QUAY VỀ CỘI NGUỒN.