Dĩ nhiên, các lý thuyết và nguyên lý cơ bản của Phật giáo trên khắp thế giới là giống nhau. Ở Cộng hòa Czech, Phật tử tin vào các nhà tu hành và các giảng sư – những người có trách nhiệm chia sẻ trải nghiệm và thông điệp của Pháp. Theo số liệu điều tra dân số năm 2011, Cộng hòa Czech có hơn 6.800 người thực hành đạo Phật. Cộng hòa Czech nổi tiếng là một xã hội tự do và phát triển cao. Đây là một trong những quốc gia ít tôn giáo nhất thế giới, với khoảng 50% người dân nước này được xác định theo chủ nghĩa vô thần.
Tuy nhiên, quốc gia này cũng là một trong những nơi tập trung nhiều nhất các cơ sở liên kết Phật giáo theo đầu người ở Châu Âu.
Truyền thống tôn giáo đầu tiên xuất hiện ở Cộng hòa Czech (thời điểm bấy giờ gọi là Tiệp Khắc) được những người tị nạn Kalmyk từ khu vực phía tây Mông Cổ mang đến Czech vào khoảng năm 1920. Tuy vậy, cộng đồng Kalmyk đã sớm bị buộc phải rời đi vì chính phủ Czech không ủng hộ việc thực hành tôn giáo. Chính bởi điều này nên sự quan tâm đến Phật giáo ở Tiệp Khắc không thể phát triển một cách hữu cơ so với nhiều nước phương Tây khác trong gần 40 năm.
Trong thời gian này, cả Phật giáo và Ấn Độ giáo đều đã truyền bá đến phương Tây. Được thúc đẩy bởi một thế giới thay đổi chóng mặt, sự thay đổi các luật tục xã hội và sự dần suy giảm trong thế giới quan Ki-tô giáo truyền thống nên các xã hội Châu Âu khao khát các hình thức tri thức và giá trị thay thế cũng như các hình thức tôn giáo khác, như Phật giáo chẳng hạn. Một số nhà truyền giáo hàng đầu của Phật giáo ở Tiệp Khắc nửa đầu thế kỉ 20 bao gồm Tiến sĩ Dr. Leopold Procházka, nhiếp ảnh gia Fráň Drtikol, và yogi Tomáš hay Květoslav Minařík.
Ở nửa sau thế kỉ 20, sự quan tâm dành cho Phật giáo phương Tây không còn giới hạn trong cộng đồng học giả nữa mà đã trở thành một trào lưu phổ quát thực sự nhờ vào dòng người nhập cư từ các quốc gia Phật giáo. Đến những năm 1970, truyền thống Kim Cang Thừa đã được truyền vào xã hội Czech khiến cho các giáo lý của Đức Phật tiếp cận được cuộc sống đương đại cùng những lý tưởng thế tục của nó.
Xem thêm: KHÁNH THÀNH BẢO THÁP PHẬT GIÁO ĐẦU TIÊN TẠI CỘNG HOÀ CZECH
Ở một số nước như Áo, Đan Mạch, Hy Lạp và Ba Lan, Phật giáo Kim Cang Thừa đã trở thành tôn giáo được chính thức công nhận. Sau sự sụp đổ của Tiệp Khắc vào năm 1989, con người cảm thấy mất mát nhiều giá trị tâm linh, vì vào thời điểm đó, họ đa phần sống trong mô hình duy vật. Điều này có thể là nguyên do lý giải mức độ quan tâm ngày càng tăng lên đối với đạo Phật sau Cách mạng Nhung. Ở Cộng hòa Czech hiện nay nhiều người chia sẻ rằng Phật giáo là tôn giáo duy nhất mà họ chấp nhận.
Ngày 01 tháng 01 năm 1990, một sự kiện quan trọng và sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến Cộng hòa Czech đã diễn ra. Cách mạng Nhung, vốn đã kéo dài từ hơn một tháng từ năm trước, đã chấm dứt 41 năm cầm quyền của một đảng duy nhất. Vaclav Havel (1936-2011) được bầu làm tổng thống của một quốc gia non trẻ vào ngày 29 tháng 12 năm 1989. Một tháng sau, Havel gặp Đạt Lai Lạt Ma, người đã được Havel mời đến (cùng với Đức giáo hoàng John Paul II) tham dự và phát biểu chào năm mới. Vaclav Havel và Đạt Lai Lạt Ma gần như ngay lập tức chia sẻ một mối quan hệ khăng khít. Đạt Lai Lạt Ma lần lượt đến thăm Prague hơn mười lần và Havel thường thiền định cùng nhà lãnh đạo tâm linh Tây Tạng trong các cuộc gặp này.
Năm 2000, Havel chia sẻ: “Theo tôi, chuyến thăm đầu tiên của Đạt Lai Lạt Ma [đến Cộng hòa Czech] là một sự kiện rất quan trọng với người dân và đất nước. Bởi vì Đạt Lai Lạt Ma toát ra một thứ năng lượng tích cực. Nhiều người đã nói với tôi rằng, dường như với họ, trong khoảng thời gian nào đó, Đạt Lai Lạt Ma đã đem đến một nguồn sáng cho môi trường của chúng ta”. (theo Dalai Lama Center)
Nhờ mối quan hệ khăng khít giữa Đạt Lai Lạt Ma, Havel và Prague, sự phát triển của Phật giáo ở Cộng hòa Czech đã được xác lập bởi mối quan tâm của hai nhân vật này: cụ thể là sự kết hợp giữa chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa tâm linh thế tục, nhân quyền và mối quan tâm đến khoa học. Sự phát triền này cũng khiến người dân Czech dường như thân thiện hơn với Phật giáo vì tôn giáo này có vẻ là một đồng minh tâm linh đối với sự trỗi dậy của Czech với tư cách một quốc gia độc lập tìm kiếm sự công nhận và vị thế trên thế giới. Trong số các phong trào Phật giáo nổi bật ở nước này thì Phật giáo Kim Cang Thừa do Lạt ma Ole Nydahl lãnh đạo chiếm ưu thế hơn cả.
Hiện nay, Phật giáo đem đến con đường thực hành tâm linh và mang lại ý nghĩa cao hơn cho người dân Czech. Nhiều người trong cộng đồng đã trở thành thiền giả, nhiều người khác thậm chí đã trở thành các giảng sư. Mặc dù vẫn còn một chặng đường dài phải đi, nhưng Phật giáo hiện nay đã trở thành một phần của cảnh quan tâm linh Czech, đồng thời nó sẽ nuôi dưỡng người dân nước này trong nhiều năm tới nữa.
Dân Nguyễn
(Dịch từ Buddhistdoor)
Hình ảnh thêm về Lịch Sử Phật Giáo Cộng Hòa Czech