Trung đạo
中道
Majjhi-māpaṭipadā – Madhya-māpratipad
Middle Way
(2025)
***
Nội dung.
1. Ý nghĩa Trung đạo.
1.1. Khái quát về Trung đạo.
- Trung đạo (中道; P: Majjhi-māpaṭipadā; S: Madhya-māpratipad; E: ...)
1.2. Tư tưởng Trung đạo.
1.3. Giáo lý Trung đạo.
1.4. Giáo lý Trung đạo Duyên khởi.
- Y tha khởi tính (依他起性; P: Idapaccayatā-paṭiccasamuppāda; S: ...; E: ... )
- Duyên khởi (縁起; P: Paṭiccasamuppāda; S: Pratītyasamutpāda; E: ...)
2. Trung đạo Đầu-đà.
2.1. Khổ hạnh trong Bà-la-môn giáo.
Khổ hạnh (苦行; P: Tāpana; S: Tāpasa; E: Self-mortification, religious austerity).
2.2. Đầu-đà hạnh trong Phật giáo.
Đầu-đà hạnh (頭陀行; P: Dhutaṅga; S: Dhūtaguṇa; E: Ascetic practice).
1) Hạnh Đầu-đà theo truyền thống Nam truyền.
2) Hạnh Đầu-đà theo truyền thống Bắc truyền.
3) Yếu tố cần có ở người thực hành tu tập.
4) Phân loại hạnh Đầu-đà theo từng loại hạnh giả.
3. Trung đạo Bát Chánh đạo.
4.1. Chánh tri kiến
1) Chân lý Duyên khởi = Chân lý tuyệt đối (xuất thế gian) = Chân đế (真諦; P: Paramattha-sacca; S: Paramārtha-satya; E: Ultimate truth).
2) Đạo đức Duyên khởi = Chân lý tương đối (thế gian) = Tục đế (俗諦; P: Sammuti-sacca; S: Saṃvṛti-satya; E: Relative truth).
4.2. Chánh tư duy.
4.3. Chánh ngữ.
4.4. Chánh nghiệp.
4.5. Chánh mạng.
4.6. Chánh tinh tấn.
4.7. Chánh niệm.
4.8. Chánh định.
Chánh định =/= Tứ thiền Bát định
4. Trung đạo Tùy duyên.
4.1. Tuỳ duyên.
1) Tùy duyên là sống thuận theo bản tính tự nhiên chân thật.
2) Tùy duyên là thái độ sống buông bỏ sở chấp.
3) Tùy duyên là không sống trong khuôn mẫu.
4) Tùy duyên là không sống buông xuôi tiêu cực.
5) Tùy duyên là thái độ thản nhiên trước những vinh nhục của cuộc đời.
4.2. Tùy duyên Bất biến.
5. Trung đạo Bất nhị.
5.1. Nhất nguyên luận và Nhị nguyên luận.
5.2. Trung đạo Bất Nhị.
1) Chân đế - Tục đế.
- Chân đế (真諦; P: Paramattha-sacca; S: Paramārtha-satya; E: Ultimate truth)
- Tục đế (俗諦; P: Sammuti-saccaa; S: Saṃvṛtti-satyatva; E: Relative truth)
2) Tứ đức Niết-bàn (四德涅盤; E: The four Nirvana virtues).
- Chân thường - Chân lạc - Chân ngã - Chân tịnh.
6. Trung đạo Hữu-Vô.
6.1. Vô với nghĩa không hay không có.
1) Vô minh (無明; P: Avijjā; S: Avidyā; E: Ignorance)
2) Vô lậu (無漏; P: Anāsava; S: Anasrāva; E: Free from intoxicants)
3) Vô thường (無常; P: Anicca; S: Anitya; E: Impermanence)
4) Vô lượng (無量; P: Appamaññā; S: Apramāṇa; E: The immeasurables)
6.2. Vô với nghĩa không thực, không phải, chẳng phải.
1) Vô ngã (無我; P: Anattā; S: Anātman; E: Non-self)
2) Vô tướng (無相; S; P: animitta; E: signless-ness).
3) Vô tông (無宗), Vô môn (無門).
4) Vô tự (無字), Vô ngôn (無言), Vô ý (無意)
8. Trung đạo Như thị.
1. Như thị tướng 2. Như thị tính 3. Như thị thể 4. Như thị lực 5. Như thị tác
6. Như thị nhân 7. Như thị duyên 8. Như thị quả 9. Như thị báo 10. Như thị bổn
mạt cứu cánh.
Bài đọc thêm: Trung đạo qua các kinh:
1. Kinh Thuận Thế Phái - Lokayatika Sutta (SN 12.48).
2. Kinh Một Vị Bà-la-môn - Aññatra Sutta (SN 12.46).
3. Kinh Thí Dụ Về Cây Đàn – Soṇa Sutta.
File PDF: Trung đạo * 中道 * Majjhi-māpaṭipadā – Madhya-māpratipad * Middle Way (2025)
NBS: Minh Tâm 9/2015, 3/2025
Trung đạo (中道; P: Majjhi-māpaṭipadā; S: Madhya-māpratipad; E: Central Path, Middle Path, Middle Way; F: Voie du Milieu, Voie Médiane, Voie Moyenne): Là từ được dùng chỉ chung cho phương pháp giảng dạy của đạo Phật, nhằm tránh những cực đoan trong đời sống vật chất và đời sống tinh thần, tiêu biểu là lối sống buông thả theo dục lạc hay lối sống trói buộc trong khổ hạnh.
Tư tưởng Trung đạo được xem là mới mẻ so với các khuynh hướng tư tưởng triết học và tôn giáo đương thời, cả về phương diện triết lý lẫn thực hành.
Phương pháp thực hành Trung đạo mang tính cách thực tế, lấy nền tảng nhân bản làm trung tâm, nên được xem là chỉ có trong đạo Phật và hoàn toàn không có nơi các tôn giáo khác, bởi các tôn giáo này luôn lấy giáo điều thần linh làm trụ cột.
Trong một cực đoan, có thể là một người tốt bụng nhưng dại khờ, và trong một cực đoan khác, có thể là một người có nhiều kiến thức nhưng lại không có tình cảm. Đạo Phật dạy con người cần phát triển và giữ thật cân bằng trọn vẹn cả tình cảm và lý trí, mà đỉnh cao là Từ bi và Trí tuệ, đó là thứ tình cảm không trói buộc và một lý trí không vướng mắc.
Trong tiếp cận chân lý, thì bất thiện là một cực đoan mà thiện cũng là một cực đoan, vượt lên hai cực đoan này chính là Thực tướng Trung đạo.
Trung đạo có thể biểu hiện ở các khía cạnh sau và được trình bày ở phần bên dưới:
- Trong đời sống vật chất (thân), như là pháp tu Trung đạo Đầu-đà.
- Trong đời sống tinh thần (tâm), như là nhận thức về Trung đạo Duyên khởi, Trung đạo Tùy duyên, Trung đạo Bất nhị, Trung đạo Hữu-Vô, Trung đạo Trung quán, Trung đạo Như thị.
- Trong đời sống vật chất và tinh thần (thân và tâm), như là Trung đạo Bát Chánh Đạo.
1.2. Tư tưởng Trung đạo.
Trung đạo – Wikipedia tiếng Việt
Middle Way - Wikipedia, the free encyclopedia
Đức Phật Thích Ca vốn là vị hoàng tử của nước Ca Tỳ La Vệ (Kapila-vastu), là người con duy nhất của vua Tịnh Phạn (Śuddhodana). Khi chưa xuất gia Ngài sống trong hưởng thụ hầu hạ của hoàng cung. Qua thời gian, tự Ngài cảm thấy sự hưởng thụ đó không phải là thứ hạnh phúc chân thật; cho nên vào năm 29 tuổi, Ngài quyết định từ bỏ lối sống hưởng thụ đó xuất gia tìm cầu chân lý hạnh phúc.
Sau khi xuất gia học đạo, trong 6 năm đầu tiên đó Ngài đã theo tu học pháp tu khổ hạnh với hai vị đạo sư danh tiếng đương thời là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta. Ngài đã thực tập khổ hạnh, nhịn ăn uống, cho đến một ngày chỉ ăn một hạt mè; thân thể gầy còm, chỉ còn da bọc xương, tuy rằng đã thành tựu những gì người hai vị thầy này thành tựu. Thế nhưng, do nỗ lực quá sức, Ngài đã ngã quị xuống và bất tỉnh. Sau khi tỉnh lại Ngài cảm thấy sự khổ hạnh không phải là con đường tu tập đúng đắn, chỉ phí sức sai lầm, cho nên Ngài quyết định từ bỏ phương pháp tu tập khổ hạnh, đi đến dòng sông Ni Liên Thiền và thọ nhận bát sữa từ sự cúng dường của thiếu nữ Tu-xà-đề (Sujata); Ngài đã cảm thấy thân thể khỏe dần, tinh thần minh mẫn. Chính sự kiện này đã giúp Ngài nhận ra rằng, con đường đi tới chân lý không thể đạt được với một thân thể hoàn toàn kiệt quệ như vậy (He realized that Enlightement could not be gained with such an exhausted body).
1.3. Giáo lý Trung đạo.
1) Theo kinh Thánh Cầu (Ariyapariyesana-sutta) thuộc Trung Bộ kinh, thì thì từ ngữ đầu tiên mà đức Phật dùng để chỉ giáo pháp mà Ngài chứng ngộ là Y tha khởi tính.
Y tha khởi tính (依他起性; P: Paravasatā-sabhāva, Idapaccayatā-paṭiccasamuppāda; S: Paratantra-svabhāva, Idaṃpratyayatā-pratītyasamutpāda; E: The form arising under certain conditions, The real form of phenomenal existence free from verbal expression): Là tự tính phụ thuộc. Đó là tính chất tự nhiên phụ thuộc (hình thái phát sinh trong những điều kiện nhất định, hình thái thực sự của sự tồn tại hiện tượng không có sự diễn đạt bằng lời nói).
- Y 依: Nương vào. Như: quy y (皈依)
- Tha 他: Cái khác. Như: tha nhân (他人)
- Khởi 起: Phát sinh. Nghĩa nơi đây là Sinh khởi (生起), Duyên khởi (縁起).
- Tính 性: Tính chất. Nghĩa nơi đây là “tự tính (自性) = tính chất tự nhiên”.
Theo đó Y tha khởi tính là tính sinh khởi của các pháp hiện hữu, tùy thuộc nương vào các pháp khác; nên nói các pháp sinh khởi nhờ vào các Duyên, được gọi là Duyên khởi 縁起. Nghĩa là các pháp sinh ra do các Duyên và hoại diệt khi các Duyên không hội đủ.
2) Tuy nhiên ở bài pháp đầu tiên nơi bài kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattana-sutta) thuộc Tương Ưng Bộ kinh, do đức Phật thuyết giảng cho năm ẩn sĩ từng tu khổ hạnh với Ngài trước đó tại Sārnāth, thì Ngài lại gọi giáo pháp của mình là Trung đạo (P: Majjhimāpaṭipadā), nhằm xác nhận rằng nhờ thực hành con đường Trung đạo, từ bỏ các lối sống cực đoan mà Như Lai sở đắc trí tuệ, thành tựu an tịnh, giác ngộ, Niết-bàn:
"Này chư Tỳ khưu, có hai điều thái quá, người xuất gia không nên theo. Thế nào là hai?
- Một là mê đắm dục lạc, hạ liệt, phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không thiệt lợi đạo.
- Hai là tu khổ hạnh, khổ đau, không xứng Thánh hạnh, không thiệt lợi đạo.
Này chư Tỳ khưu, chính nhờ từ bỏ hai điều thái quá này, Như Lai giác ngộ Trung đạo, con đường đem đến pháp nhãn, trí huệ đưa lại an tịnh, thượng trí, chứng Niết-bàn.
Như thế, giáo lý Trung đạo nhằm chỉ ra sự vượt lên hiện tượng nhị nguyên, không chấp thủ vào các cực đoan, hoặc không dính mắc vào phân biệt đối đãi.
1.4. Giáo lý Trung đạo Duyên khởi.
Duyên khởi – Wikipedia tiếng Việt
Pratītyasamutpāda - Wikipedia, the free encyclopedia
Duyên khởi (縁起; P: Paṭiccasamuppāda; S: Pratītyasamutpāda; E: Dependent origination, Dependent arising; F: Coproduction conditionnée): Khởi phát từ nhận ra Y tha khởi tính, nguyên lý Duyên khởi được phổ quát là nguyên lý trọng tâm của đạo Phật, đại diện cho thực tại luận hay thế giới quan của đạo Phật. Theo đó, các đường lối tư duy và thực hành của đạo Phật được đặt để và ứng dụng, còn được gọi là Duyên sinh hay Duyên hợp.
Nguyên lý Duyên khởi theo ghi nhận trong Mahavagga thuộc Luật tạng Pali, rằng sau khi giác ngộ, đức Phật tiếp tục ở lại dưới gốc cây Bồ-đề để thực nghiệm giải thoát lạc và thẩm sát lý Duyên khởi theo cả hai chiều thuận nghịch, và đã chứng thực như sau:
“Khi thấy rõ bản chất như thật của các pháp, nguyên nhân sinh khởi và đoạn diệt, vị Bà-la-môn như mặt trời soi sáng cả bầu trời, an trú vững chắc, trừ hết mọi nghi ngờ”
Sự phát hiện ra quy luật sinh diệt do Duyên khởi của hiện hữu với kết quả là “Nhãn sinh, Trí sinh, Tuệ sinh, Minh sinh, Quang sinh” đã đưa đến một sự thấy biết hoàn toàn mới mẻ, đó là sự giác ngộ cao cả (P;S: bodhi; E: supreme knowledge, enlightenment). Theo đó, đức Phật đã thấy biết rõ sự thật về bản chất không thực “Vô ngã” và hiện tượng sinh diệt “Vô thường” liên tục của các pháp.
Trong kinh Phật Tự Thuyết (Udāna), thuộc Tiểu Bộ kinh (Khuddaka-nikàya), tập 1, lý Duyên khởi được tóm tắt như sau:
Imasmiṃ sati idaṃ hoti
Imass’uppādā idaṃ uppajjati
Imasmiṃ asati idaṃ na hoti
Imassa nirodhā idaṃ nirujjhati
[P: Paṭiccasamuppāda]
Yaduta asmin satīdaṃ bhavaty
Asyotpadād idam utpadyate
Yaduta asmin asatīdaṃ na bhavaty
Asya nirodhād idaṃ nirudhyate
[S: Pratītyasamutpāda]
This being, that becomes;
From the arising of this, that arises.
This not being, that does not become;
From the cessation of this, that ceases.
此有故彼有 Thử hữu tắc bỉ hữu
此生故彼生 Thử sinh tắc bỉ sinh
此無故彼無 Thử vô tắc bỉ vô
此滅故彼滅 Thử diệt tắc bỉ diệt
Do cái này có, cái kia có.
Do cái này sinh, cái kia sinh.
Do cái này không có, cái kia không có.
Do cái này diệt, cái kia diệt.
Thật vậy, các pháp do các duyên hợp và vận hành tương tác biến đổi khôn cùng. Tuy nhiên, do con người không thấu suốt được lẽ thật này, cho nên đã nảy sinh ra những nhầm lẫn chấp thủ cực đoan trong nhận thức và hành động theo quan niệm nhị nguyên-hữu ngã từng cặp như sau:
Hữu (有; P: Atthitā; S: Astitā; E: Existence)
Vô (無; P: Natthitā; S: Nāstitā; E: Non-existence)
Thường (常; P: Niccatā; S: Nityatā; E: Eternity)
Đoạn (斷; P: Uccheda; S: Uccheda; E: Annihilation)
Một = Đồng (同; P: Ekatta; S: Ekatā; E: Oneness)
Khác = Dị (異; P: Anna; S: Anya; E: Another)
Một = Đơn (單; P: Ekatta; S: Ekatā; E: Oneness)
Nhiều = Đa (多; P: Puthutta; S: Pṛthutva; E: Diversity)
Từ các tư duy cực đoan, đã nảy sinh ra những ý niệm đẹp-xấu, tốt-xấu, hay-dở, lạc quan-bi quan … được cố chấp hóa, đưa tới ưa-chê, chiếm giữ-loại trừ, …, đã đưa con người đến biết bao khổ não. Tuy nhiên, trong cuộc sống thực tế, phải thấy rằng việc phủ bác triệt để những ý niệm nói trên kỳ thực vẫn là một cực đoan cố chấp. Vì thế, thấy biết ra lẽ thật là nhằm giúp cho chúng ta cảnh giác vượt qua, để không phải bị ràng buộc và trôi lăn trong cái thế giới đầy bất trắc này.
- Trong kinh Tương Ưng Bộ 5 - đức Phật dạy :
“ Có hai cực đoan vô ích mà người sống đời cao thượng không nên hành theo, đó là sống kết hợp với dục vọng thấp hèn và sống kết hợp với tự hành hạ mình, tự làm khổ mình “.
- Trong kinh Ca Chiên Diên (P: Kaccāyana), thuộc Tương Ưng bộ, Phật dạy: "Trung đạo là cái thấy chánh kiến vượt thoát ý niệm 'có' và 'không'"
Hay
"Tất cả là có", này Kaccāyana, là một cực đoan. "Tất cả là không có" là cực đoan thứ hai. Xa lìa hai cực đoan ấy, này Kaccāyana, Như Lai thuyết pháp theo Trung đạo.
- Trong kinh Maha Nidana, Trường A Hàm - đức Phật nói :
“Vì không hiểu biết thấu đáo giáo lý Duyên khởi này, nên chúng sinh sống trong cảnh rối loạn như tơ vò”.
Nhìn chung, Trung đạo và Duyên khởi có thể gọi là Phật đạo, cùng với ngụ ý về hiện tượng và bản chất của các pháp. Vì thế, có cách gọi là Trung đạo Duyên khởi, tiêu biểu cho nhận thức về thực tại. Trong Phật giáo Phát triển, Trung đạo-Duyên khởi còn gọi là Trung đạo Đệ nhất nghĩa đế (中道 第一義諦: Trung đạo là Chân lý tối thượng hay Trung đạo là Chân đế 真諦).
Dưới đây là 2 bài thơ kệ về nhị nguyên-hữu ngã:
Cái Vô cái Hữu vốn là không,
Hiểu được duyên sanh chớ nặng lòng.
Đông đến tuyết rơi, sương giá lạnh,
Hè qua phượng trổ, cảnh trời trong.
Trần đời thấy sắc còn phân ý,
Đạo pháp qui tâm phải dụng công.
Thấu rõ nhị biên nơi thánh giáo,
Trừ mê khai ngộ chỉ đường tông.
2. Hữu cú Vô cú • 有句無句 • Câu Hữu câu Vô
Thơ Trần Nhân Tông
有句無句, Hữu cú vô cú,
藤枯樹倒。 Đằng khô thụ đảo.
幾個衲僧, Kỷ cá nạp tăng,
撞頭嗑腦。 Chàng đầu hạp não.
Câu hữu câu vô,
Như cây đổ, dây leo héo khô.
Mấy gã thầy tăng,
Đập đầu mẻ trán.
***
有句無句, Hữu cú vô cú,
體露金風。 Thể lộ kim phong.
兢伽沙數, Căng già sa số.
犯刃傷鋒。 Phạm nhẫn thương phong.
Câu hữu câu vô,
Như thân thể lộ ra trước gió thu.
Vô số cát sông Hằng,
Phạm vào kiếm, bị thương vì mũi nhọn.
***
有句無句, Hữu cú vô cú
立宗立旨。 Lập tông lập chỉ.
打瓦鑽龜, Đả ngoã toàn quy,
登山涉水。 Đăng sơn thiệp thuỷ.
Câu hữu câu vô,
Lập công phái, ý chỉ.
Cũng là dùi rùa, đập ngói,
Trèo núi lội sông.
***
有句無句, Hữu cú vô cú,
非有非無。 Phi hữu phi vô.
刻舟求劍, Khắc chu cầu kiếm,
索驥按圖。 Sách ký án đồ.
Câu hữu câu vô,
Chẳng phải hữu, chẳng phải vô,
Khác nào anh chàng khắc mạn thuyền mò gươm,
Theo tranh vẽ đi tìm ngựa ký.
***
有句無句, Hữu cú vô cú,
互不回互。 Hỗ bất hồi hỗ.
笠雪鞋花, Lạp tuyết hài hoa,
守株待兔。 Thủ chu đãi thố.
Câu hữu câu vô,
Chẳng tương hỗ hay tương hỗ nhau.
Nón tuyết, giầy thêu hoa,
Ôm cây đợi thỏ.
***
有句無句, Hữu cú vô cú,
自古自今。 Tự cổ tự kim.
執指忘月, Chấp chỉ vong nguyệt,
平地陸沉。 Bình địa lục trầm.
Câu hữu câu vô,
Từ xưa đến nay,
Chỉ chấp ngón tay mà quên vầng trăng,
Thế là chết đuối trên đất bằng.
***
有句無句, Hữu cú vô cú,
如是如是。 Như thị như thị.
八字打開, Bát tự đả khai,
全無巴鼻。 Toàn vô ba tị.
Câu hữu câu vô,
Như thế như thế!
Tám chữ mở ra rồi,
Hoàn toàn không còn điều gì lớn nữa.
***
有句無句, Hữu cú vô cú,
顧左顧右。 Cố tả cố hữu.
阿刺刺地, A thích thích địa,
鬧聒聒地。 Náo quát quát địa.
Câu hữu câu vô,
Quay bên phải, ngoái bên trái.
Thuyết lý ầm ĩ,
Ồn ào tranh cãi.
***
有句無句, Hữu cú vô cú,
忉忉怛怛。 Điêu điêu đát đát.
截斷葛藤, Tiệt đoạn cát đằng,
彼此快活。 Bỉ thử khoái hoạt.
Câu hữu câu vô,
Khiến người rầu rĩ.
Cắt đứt mọi duyên quấn quít như dây leo,
Thì hữu và vô đều hoàn toàn thông suốt.
Hữu-Vô (Có-Không) có hai cách nhìn như sau:
- Phật giáo Nam truyền chủ trương “Hữu luận” cho rằng vạn pháp Vô thường, nghĩa là luôn chuyển động, biến đổi, nhưng vẫn Có một cách tương đối, chứ không thể nói là Không(có) được.
- Phật giáo Bắc truyền chủ trương “Không luận”” cho rằng vạn pháp tuy Có nhưng thực ra là Không vì vạn pháp không có thực tướng “cái gọi là Không thì cũng Không nốt”.
Trong nội bộ tông phái lại có cuộc luận bàn về thuật ngữ Hữu, Vô, Sắc, Không.
Tất Đạt Đa sau sáu năm tu ép xác khổ hạnh
2.1. Khổ hạnh trong Bà-la-môn giáo.
Bà-la-môn giáo quan niệm rằng nguồn gốc của khổ là do nhu cầu của thân xác. Do đó, muốn giải thoát thì hành giả phải đè nén, tiêu diệt các nhu cầu này. Càng hành hạ thân xác bao nhiêu thì phần tâm linh càng được sớm giải thoát bấy nhiêu.
Khổ hạnh (苦行; P: Tāpana; S: Tāpasa; E: Self-mortification, religious austerity)
Tu Khổ hạnh trong Bà-la-môn giáo là phương pháp nhằm đạt được giải thoát một cách nhanh chóng thông qua lối tu khắc nghiệt ép xác. Các tu sĩ dùng ý chí mạnh mẽ để chặn đứng những ham muốn, dục lạc của thân xác. Lối tu này có thể dẫn đến sự mất cân bằng tâm lý, tổn hại sức khỏe do kiệt sức và nguy hiểm đến tính mạng.
Theo kinh Đại Niết-bàn quyển 16 và Bách luận quyển thượng, ngoại đạo Bà-la-môn có sáu trường phái tu khổ hạnh, khái lược như sau:
1. Tự ngạ ngoại đạo (trường phái nhịn đói): Trường phái này chủ trương không ăn, hoặc chịu đựng nhịn đói trong một thời gian dài.
2. Đầu uyên ngoại đạo (trường phái gieo mình xuống vực sâu): Vào mùa đông giá lạnh, họ đi vào trong vực sâu để nhẫn chịu cái khổ của giá lạnh.
3. Phó hỏa ngoại đạo (trường phái hơ mình trên lửa): Họ thường xuyên hơ mình bên ngọn lửa, hoặc để ngọn lửa sát mũi rồi hít sâu vào.
4. Tự tọa ngoại đạo (trường phái ngồi một chỗ): Người tu theo phái này thường ngồi một chỗ trên bãi đất trống bất kể nắng mưa nóng lạnh.
5. Tịch mặc ngoại đạo (trường phái im lặng): Họ sống giữa bãi tha ma và câm lặng.
6. Ngưu cẩu ngoại đạo (trường phái hạnh con bò, con chó): Những người tu theo trường phái này giữ giới sống như con bò, con chó, ăn cỏ khô và những thứ dơ bẩn.
Sáu trường phái khổ hạnh này thường được biết đến với tên gọi là lục chủng khổ hạnh ngoại đạo. Họ thực hành khổ hạnh như vậy vì tin rằng, đó là nhân hạnh để được giải thoát, đắc quả, được sinh lên cõi trời. Ngoài sáu trường phái khổ hạnh này, ở Ấn Độ cổ đại còn có nhiều trường phái khổ hạnh khác.
Khi mới xuất gia, đức Phật từng theo các vị tiên nhân ở rừng khổ hạnh (khổ hạnh lâm) thực tập khổ hạnh sáu năm theo phái Tự ngạ ngoại đạo.
Trong Đại kinh Sư Tử Hống, số 12, thuộc Trung Bộ Kinh, đức Phật kể lại việc tu khổ hạnh của mình tổn hại đến sức khỏe mà không đi tới giải thoát:
“Này Sariputta, trong khi Ta sống chỉ ăn một trái táo, thân thể của Ta trở thành hết sức ốm yếu.
- Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta trở thành như những cọng cỏ hay những đốt cây leo khô héo.
- Vì Ta ăn quá ít, bàn trôn của Ta trở thành như móng chân con lạc đà.
- Vì Ta ăn quá ít, các xương sống phô bày của Ta giống như một chuỗi banh.
- Vì Ta ăn quá ít, các xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột nhà sàn hư nát.
- Vì ta ăn quá ít, nên con ngươi của Ta long lanh nằm sâu thẳm trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu.
- Vì Ta ăn quá ít, da đầu Ta trở thành nhăn nheo khô cằn như trái bí trắng và đắng bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nheo khô cằn.
- Này Sariputta, nếu Ta nghĩ: ‘Ta hãy sờ da bụng’ chính xương sống bị Ta nắm lấy. Nếu Ta nghĩ: ‘Ta hãy sờ xương sống’, thì chính da bụng bị Ta nắm lấy. Vì Ta ăn quá ít, nên này Sariputta, da bụng của Ta bám chặt xương sống.
- Này Sariputta, nếu Ta nghĩ: ‘Ta đi đại tiện hay đi tiểu tiện’, thì Ta ngã úp mặt xuống đất, vì Ta ăn quá ít. Này Sariputta, nếu Ta muốn thoa dịu thân Ta, lấy tay xoa bóp chân tay, thì này Sariputta, trong khi Ta lấy tay xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục rụng khỏi thân Ta, vì Ta ăn quá ít”
Dù khổ hạnh như vậy nhưng không lợi ích gì: “Này Sariputta, dầu Ta có theo cử chỉ như vậy, theo hành lộ như vậy, theo khổ hạnh như vậy, Ta cũng không chứng được các pháp thượng nhân, không có tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Vì sao vậy? Vì với những phương tiện ấy, không chứng được pháp thượng nhân với Thánh trí tuệ”
Hình ảnh tu khổ hạnh của nhiều tôn giáo tại Ấn Độ
Khác nhau giữa "Pháp tu khổ hạnh & Pháp tu đầu-đà hạnh”
Chi tiết |
Pháp tu: Khổ hạnh |
Pháp tu: Đầu-đà hạnh |
Việc ăn |
Nhịn ăn, ăn rất ít. Không khất thực. |
Ăn ngày 1 bữa. Đi khất thực hóa duyên từng nhà. |
Việc mặc |
Mặc tối giản. Có khi khỏa thân không mặc quần áo hay dùng lá cây tạm che thân. |
Sử dụng những miếng vải bỏ đi chắp vá lại thành y. Chỉ dùng 3 y không nhận thêm y thứ 4. |
Việc ở |
Không rõ, có thể bằng hay khắc nghiệt hơn. |
Ở gốc cây, ở rừng, ở nghĩa địa, ở giữa trời, ở chỗ nào cũng được miễn là an toàn, an ninh, đặc biệt chỉ ngồi không nằm khi ngủ cũng trong tư thế ngồi. |
Vệ sinh |
Không tắm, sống như động vật. |
Có, tuy ít hơn bình thường. |
Hành xác |
Bằng nhiều hình thức quái dị: trồng cây chuối, treo thân trên cây, thoa phân bò khắp người, lấy gai làm giường, mùa đông ngủ ngoài trời giá lạnh, mùa hè nằm phơi ra nắng cháy… |
Không có. |
2.2. Đầu-đà hạnh trong Phật giáo.
Phật giáo quan niệm rằng nguồn gốc của khổ là do con người sống với nội tâm chấp trước đầy Tham-Sân-Si, do đó xem thể xác là một phương tiện để tu đạo nhằm đạt tới một nội tâm giải thoát. Vì thế, hành giả cần phải nuôi thể xác ở mức nhu cầu tối thiểu cần có để có thể duy trì cuộc sống và bắt nó phục vụ cho con đường tu đạo của mình.
Đầu-đà (頭陀; P: Dhuta; S: Dhūta; E: To perform ascetic practices) nguyên nghĩa là "rũ sạch (E: to shake off)". Đó là rũ sạch Tham-Sân-Si luôn dính mắc nơi nội tâm của mỗi con người.
Đầu-đà hạnh (頭陀行; P: Dhutaṅga; S: Dhūtaguṇa; E: Ascetic practice, austerity) là pháp tu lấy khổ hạnh của thân để tích cực đoạn trừ các tâm Tham-Sân-Si, đây là các tập khí khó đoạn trừ luôn đeo bám hành giả. Người tu theo đầu-đà hạnh chấp nhận những khó khăn trong các vấn đề ăn, mặc, ở, đi lại.
------------
Chú thích.
- Giới (戒) có nghĩa là những quy định tự nhiên trong đời sống thông thường, trong lúc đó Luật được hiểu là quy luật dành cho những người xuất gia, sống trong chùa chiền hay thiền viện.
- Hạnh = Hành (行) có nghĩa là làm, thực hành.
- Giới hạnh (戒行; P: sīla; S: śīla; E: ethics or morality) là những hành động thiện, những hành động mang lại sự an vui cho mình, cho người, cho tất cả chúng sanh.
- Tập khí (習氣; P;S: vāsanā; E: habitual tendencies): Là khuynh hướng hành vi hoặc dấu ấn nghiệp chướng ảnh hưởng đến hành vi hiện tại của một người.
Phật giáo có nhiều cách tu, trong đó có cách tu khổ hạnh gọi là Đầu-đà. Hạnh đầu-đà nơi đây không là cách tu khổ hạnh ép xác một cách cực đoan nơi Bà-la-môn giáo, mà là một trợ hạnh, một lối sống Chánh mạng theo đúng tinh thần thiểu dục tri túc về ba nhu yếu ăn, mặc, ở để có nhiều thời gian hành thiền, quán chiếu nhằm đạt được mục đích giải thoát.
Pháp tu theo hạnh đầu-đà không cực đoan khổ hạnh, cũng không cực đoan dục lạc, nên gọi là pháp tu Trung đạo. Thực hành khổ hạnh không phải là mục tiêu cuối cùng, mà là phương tiện để thanh tịnh tâm hồn và phát triển trí tuệ.
Hành giả cần biết rằng:
- Giới-Định-Tuệ là 3 phẩm hạnh của hành giả trong quá trình tu học Phât.
- Văn tuệ - Tư tuệ - Tu tuệ là 3 yếu tố cần và đủ cho việc tu học Phật.
Do đó, hành giả cần trang bị đủ Văn tuệ - Tư tuệ - Tu tuệ, còn Đầu đà hạnh là trợ duyên tốt cho những ai có đủ căn lành. Đức Phật tôn trọng và tán dương cho những ai thực tu theo pháp môn này. Hành giả mà thiếu Văn tuệ và Tư tuệ, thì bấy giờ tu sẽ là cách thực hành Khổ hạnh cực đoan của Bà-la-môn mà thôi.
Trong kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Nhập đạo có ghi:
“Nếu hạnh đầu-đà này được ở đời thì pháp của Ta cũng sẽ được lâu dài ở đời. Nếu có pháp ở đời, thì thiên đạo tăng thêm, ba đường ác liền giảm. Cũng vậy, thánh Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, đạo Tam thừa đều còn ở đời.”
Tôn giả Ca Diếp hay Đại Ca Diếp nổi tiếng là người thực hành hạnh Đầu đà nghiêm túc nhất, là người đứng đầu Tăng già sau khi đức Phật mất.
- Trong truyền thống Nam truyền, nơi kinh tạng Pāli, 13 pháp Đầu-đà chỉ được nhắc đến tên gọi mà không được giảng giải chi tiết. Chỉ ở trong Thanh Tịnh Đạo luận (Visuddhimagga) của ngài Phật Âm (Buddhaghosa) 13 pháp này mới được trình bày chi tiết.
- Trong truyền thống Bắc truyền, các pháp Đầu-đà cũng được đề cập nhưng ở đó số pháp chỉ có 12, được đề cập trong Thập Địa kinh.
Như vậy, các pháp Đầu-đà hiện nay là do các Tổ vế sau chế định.
1) Hạnh Đầu-đà theo truyền thống Nam truyền: Gồm 13 hạnh.
1- Hạnh phấn tảo y (P: pamsukulik'anga) phấn tảo y là loại y phục được làm từ những miếng vải vụn, rách, không dùng đến được lấy từ nghĩa địa, bệnh viện, ở ngoài đường hay ở rừng, ... Sau đó được giặt sạch và vá lại thành y để mặc. Vị hành giả tu tập không nhận sự cúng dường y áo của thí chủ mà đi nhặt những vải này.
Pháp này nhằm giúp hành giả rời xa sự xa hoa và tập trung vào đời sống đơn giản không bị lệ thuộc vào thí chủ.
2- Hạnh ba y (P: tecivarik'anga): Hành giả tu hạnh đầu đà chỉ có ba y, bao gồm: thượng y, trung y và hạ y hay còn gọi là y nội, y ngoại, và y đại. Chư Tăng dùng y đó đến khi rách, thậm chí là không còn chỗ vá mới được may mới.
Pháp này nhằm giúp hành giả duy trì lối sống đơn giản và giảm bớt nhu cầu vật chất.
3- Hạnh khất thực (P: pindapatik'anga): Ở hạnh này, người tu hạnh đầu đà mang bình bát đi khất thực để nuôi sống bản thân mình, không đợi tín chủ mời đến nhà để cúng mà phải mang bình bát khất thực.
Pháp này nhằm giúp hành giả luyện tập sự khiêm nhường và lòng biết ơn đối với cộng đồng.
4- Hạnh khất thực từng nhà (P: sapadanik'anga): Đây là việc đi khất thực theo từng nhà, không phân biệt nhà giàu hay nghèo. Mỗi nơi đều được khất thực một cách tuần tự, không chọn lựa nơi có nhiều đồ ăn ngon.
Pháp này nhằm giúp hành giả tập tính bình đẳng và tính ưa thích (tham)
5- Hạnh nhất tọa thực (P: ekasanik'anga): Hạnh này yêu cầu hành giả chỉ ăn một bữa trong ngày, thường là vào buổi trưa.
Pháp này nhằm giúp hành giả phát triển sự tự kiểm soát và tiết chế các nhu cầu cơ bản của cơ thể.
6- Hạnh ăn bằng bình bát (P: pattapindik'anga):
Hành giả chỉ sử dụng thức ăn xin được trong bình bát, không thêm bát thứ hai và hạn chế sử dụng các vật dụng khác.
Pháp này nhằm giúp hành giả có lối sống giản dị và không phụ thuộc vào tiện nghi không cần thiết.
7- Hạnh không để dành đồ ăn (P: khalu-paccha-bhattik'anga): Hành giả không được để lại thức ăn dư thừa hoặc thực phẩm từ các tín chủ cho ngày hôm sau. Điều này cũng có nghĩa là không lưu trữ thức ăn
Pháp này nhằm giúp hành giả từ bỏ sự chấp giữ.
8- Hạnh ở trong rừng (P: araññik'anga): Hành giả chọn sống ở nơi thanh vắng có nghĩa là lựa chọn các khu vực hoang sơ, xa rời sự ồn ào của đô thị. Những địa điểm như rừng sâu, hang đá hoặc các khu vực hẻo lánh để sinh sống và hành đạo.
Pháp này giúp hành giả tập trung hơn vào việc tu tập và nâng cao đời sống tâm linh.
9- Hạnh ở gốc cây (P: rukkhamulik'anga): Hành giả chọn sống dưới gốc cây, sử dụng gốc cây, tán cây làm nơi cư trú. Đây là cách để hành giả hòa mình vào thiên nhiên và giảm thiểu nhu cầu về tiện nghi vật chất.
Pháp này giúp hành giả rèn luyện khả năng chịu đựng và thích nghi với môi trường tự nhiên.
10- Hạnh ở ngoài trời (P: abbhokasik'anga): Hành giả chọn sống dưới trời không có mái che, nghĩa là chọn sống ngoài trời mà không có bất kỳ nơi trú ẩn nào.
Pháp này giúp hành giả rèn luyện tính kiên nhẫn và khả năng chịu đựng trước những điều kiện khắc nghiệt của thời tiết.
11- Hạnh ở nghĩa địa (P: susanik'anga): Hành giả sẽ chọn khu vực trong hoặc gần nghĩa địa để tu hành.
Pháp này giúp hành giả chấp nhận và nhận thức về cái chết, từ đó giảm bớt sự sợ hãi và lo âu..
12- Hạnh nghỉ ở đâu cũng được (P: yatha-santhatik'anga): Hành giả không chọn chỗ nghỉ cố định, mà tự thích ứng với các nơi như đống rơm, gốc cây... và có thể ngủ ở bất kỳ đâu.
Pháp này giúp hành giả buông bỏ sự phụ thuộc vào một địa điểm cụ thể và rèn luyện sự linh hoạt.
13- Hạnh ngồi ngủ (P: nesajjik'anga): Hành giả chỉ ngồi và không nằm khi ngủ.
Pháp này giúp hành giả rèn luyện tính kiên định trong việc tu tập.
2) Hạnh Đầu-đà theo truyền thống Bắc truyền: Gồm 12 hạnh.
1- Chỉ ăn đồ ăn khất thực (S: paiṇḍapātika)
2- Chỉ mặc ba bộ y (S: tracīvarika)
3- Không chấp nhận thêm sau khi bắt đầu ăn (S: khalupaścādbhaktika)
4- Không nằm (S: naiṣadyika)
5- Giường ngủ phù hợp được cúng dường (S: yathāsaṃstarika)
6- Sống ở gốc cây (S: vṛkṣamūlika)
7- Một lần ngồi khi ăn (S: ekāsanika)
8- Sống ở nơi trống trải (S: ābhyavakāśika)
9- Sống ở vùng hoang dã (S: āraṇyaka)
10- Sống trong nghĩa địa (S: śmāśānika)
11- Chỉ mặc y làm từ vải bỏ đi (S: pāṃśūkūlika)
12- Chỉ mặc quần áo nỉ (S: nāmatika)
Các hạnh Đầu-đà chỉ là trợ hạnh của thân nhằm chuyển hóa tâm, đó là tâm Tham (do ưa thích), tâm Sân (do chê ghét), tâm Si (do không thấu triệt lý Duyên khởi, nên mạn, nghi, ác kiến ...)
Trong kinh Tương Ưng Bộ IV. Trang 404 nêu rõ:
“Đoạn tận (E: to transcend // transcendence, transcendency) Tham, đoạn tận Sân, đoạn tận Si, đây gọi là Niết-bàn”.
Trong kinh Tạp A Hàm có chép:
“Niết-bàn có nghĩa là dập tắt (E: to extinguish // extinction) hoàn toàn ngọn lửa phiền não, là đoạn trừ Nghiệp gây ra từ ba bất thiện là Tham, Sân và Si.”
3) Yếu tố cần có ở người thực hành tu tập.
Thực hành pháp Đầu-đà không phải là điều dễ dàng, đòi hỏi người tu tập phải hội tụ nhiều yếu tố cả về tâm linh lẫn thể chất.
- Đức tin lớn: Niềm tin vững chắc vào Phật pháp là nền tảng để vượt qua khó khăn, thử thách trong quá trình tu tập.
- Tâm hổ thẹn: Sự hổ thẹn với những lỗi lầm, sai trái của bản thân là động lực để thay đổi và hoàn thiện mình.
- Sức khỏe tốt: Thể chất khỏe mạnh là điều kiện cần thiết để thực hiện những hạnh đầu đà khắc nghiệt.
- Thuần thục tìm kiếm chân lý: Khả năng phân biệt đúng sai, thiện ác và luôn hướng tới chân lý là yếu tố quan trọng để không bị lạc lối trên con đường tu tập.
- Nhiệt tình và chín chắn: Sự nhiệt huyết và chín chắn giúp người tu tập duy trì sự tinh tấn, không nản lòng trước khó khăn.
- Trí tuệ: Trí tuệ giúp thấu hiểu giáo lý, phân tích và ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống.
- Ham học hỏi và có kiến thức: Sự ham học hỏi và tích lũy kiến thức giúp người tu tập hiểu rõ hơn về Phật pháp và áp dụng vào thực hành.
- Thọ trì kiên định: Sự kiên định, không dao động trước những cám dỗ, thử thách là yếu tố quyết định để đi đến thành công trên con đường tu tập.
- Ít tìm lỗi người khác: Thay vì tập trung vào lỗi lầm của người khác, người tu tập nên tập trung vào việc hoàn thiện bản thân.
- An trú trong tâm từ bi: Tâm từ bi là nền tảng của mọi hành động thiện lành, giúp người tu tập đối xử với mọi người và vạn vật bằng tình yêu thương, không phân biệt.
4) Phân loại hạnh Đầu-đà theo từng hạng người.
Các pháp đầu-đà được thực hành tùy theo từng hạng người:
- Tỷ-kheo: Một vị Tỷ-kheo có thể chọn bất kỳ pháp nào trong 13 pháp đầu-đà. Nếu muốn, vị ấy có thể thực hành toàn bộ 13 pháp đầu-đà cùng một lúc.
- Tỷ-kheo-ni: Một vị Tỷ-kheo-ni có thể thực hành 8 pháp đầu-đà là: mặc y phấn tảo - mặc y được làm từ dẻ rách; chỉ mặc ba y; sống bằng khất thực; khất thực thứ tự từng nhà; ăn ngày một bữa; chỉ ăn một bình bát; ở bất cứ chỗ nào; chỉ ngồi, không nằm.
- Sa-di: Một vị Sa-di có thể thực hành 12 pháp đầu-đà; họ không thể thực hành pháp chỉ mặc ba y (tecīvarika), vì y của họ khác với các Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni. Cần phải nói thêm rằng không có luật định nào ngăn cấm các Sa-di hạn chế việc sử dụng y áo, ngọa cụ, v.v..., tuy nhiên đây không phải là đối tượng của pháp chỉ mặc ba y.
- Thức-xoa-ma-na và Sa-di-ni: Một vị Thức-xoa-ma-na và Sa-di-ni có thể thực hành 7 pháp đầu-đà là: mặc y phấn tảo; sống bằng khất thực; khất thực thứ tự từng nhà; ăn ngày một bữa; chỉ ănmột bình bát; ở bất cứ chỗ nào; và chỉ ngồi không nằm.
- Cư sĩ: Người cư sĩ có thể thực hành 2 pháp đầu-đà là: ăn ngày một bữa và chỉ ăn một bình bát. Tuy nhiên, một cư sĩ có khuynh hướng mạnh mẽ với việc thực hành xuất gia, có thể noi gương các Tỷ-kheo thực hành thêm pháp không ăn lại đồ thừa, ở trong rừng, ở nơi gốc cây, ở ngoài trời, ở nghĩa địa, ở bất cứ chỗ nào, chỉ ngồi không nằm, nâng tổng số các pháp đầu-đà lên thành 9 pháp.
Hình ảnh thêm về Trung đạo * 中道 * Majjhi-māpaṭipadā – Madhya-māpratipad * Middle Way (2025)