Trong một chuyến đi thực địa năm ngoái, đoàn chúng tôi viếng thăm chùa Triều Tôn, một tổ đình của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Phú Yên. Theo lịch sử bản tự, chùa do tổ Liễu Diệu Chánh Quang khai sơn năm Gia Long thứ 2 (1803). Chùa đã đón nhận nhiều vị cao tăng đến hành đạo như tổ Quảng Nhuận, Huệ Hương, Thiện Quang, Phước Trí… Khi tiếp kiến Thượng tọa trụ trì, chúng tôi đã được ngài cung cấp một số tư liệu Hán Nôm quí, trong đó có bản Phú Pháp của Thiền sư Toàn Đạo Viên Đàm (1769-1838) ban cho đệ tử Chương Từ Quảng Thiện (1810-?) vào năm Bính Thân mà chúng tôi xin giới thiệu dưới đây.
Văn bản được viết trên khổ giấy lớn, có 34 dòng, mỗi dòng chữ viết không nhất định, có dòng chỉ có 6, 7 chữ, có dòng lên đến 21 chữ, chữ viết chân phương, nét bút to, đậm. Dòng đầu tiên với bốn chữ lớn “Chính pháp nhãn tạng” và hai chữ nhỏ “Xuất gia”, có thể hiểu hai chữ nhỏ này ghi riêng để phân biệt khi cấp cho hàng xuất gia. Phía trước dòng có một con dấu tròn hình quả xoài. Văn bản bị rách phần đầu phía dưới và ở đường gấp gần cuối nhưng không bị mất chữ nào. Lại còn ba con dấu nữa, hai con dấu đóng vào tên Thiền sư Toàn Đạo nhưng mờ, còn một con dấu đóng vào dòng niên đại ngay ở vị trí năm Bính Thân. Văn bản được lập năm Bính Thân là năm 1836, trước ngài Toàn Đạo Viên Đàm viên tịch hai năm.
Bản in Kim Quang Minh kinh được tìm thấy tại chùa Bát Nhã (Phú Yên) được thực hiện năm Nhâm Thìn (1832)1 cung cấp cho ta thêm về hành trạng của Thiền sư Toàn Đạo. Ở dòng gần cuối, phía sau bài bạt có ghi: “Đức Xuân tự húy Toàn Đạo thượng Viên hạ Đàm hòa thượng tác đại chứng minh hựu cúng tiền tam thập quán, sở kỳ thân phụ Nguyễn thị tử pháp danh Liễu Chứng tự Thiên Y cư sĩ, thân mẫu Lê Thị Ân pháp danh Toàn Đức hiệu Vi Bổn, hồi hướng nội ngoại tiên linh đồng đăng an dưỡng”. Tạm dịch: Hòa thượng Toàn Đạo Viên Đàm chùa Đức Xuân chứng minh, lại cúng 30 quan, cầu nguyện cho cha họ Nguyễn pháp danh Liễu Chứng tự Thiên Y và mẹ Lê Thị Ân pháp danh Toàn Đức hiệu Vi Bổn, hồi hướng cho gia tiên nội ngoại cùng lên nước An Dưỡng.
Nguyễn Đình Chúc trong cho biết thêm về ngôi chùa ngài trụ trì: “Nguyên xưa chùa có tên Long Thủy tọa lạc làng Bạc Mã, tổng An Hải, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, nay là thôn Quảng Đức, xã An Trạch, huyện Tuy An… đến đời Thiền sư Toàn Đạo đổi hiệu là Đức Xuân”2. Ngôi chùa này sau đó lại được đổi tên thành chùa Châu Lâm cho đến bây giờ. Nhờ bài bạt, chúng ta biết cha mẹ của Thiền sư Toàn Đạo, và biết sư họ Nguyễn. Song thân của ngài qui y với hai vị thiền sư ở hai kệ phái khác nhau. Cha ngài có thể là đệ tử của tổ Tế Khoan Thiên Quyền, mẹ ngài qui y với tổ Pháp Chuyên vì lúc này tại Phú Yên chỉ có mình tổ Pháp Chuyên mới cho đệ tử ở hàng chữ “Toàn”.
Bản Phú Pháp này có nội dung giống với bản Thiền sư Pháp Chuyên trao cho đệ tử Toàn Tri Thành Lý mà chúng tôi có dịp đưa ra3, chỉ khác phần truyền thừa. Bản này ghi chép được ba vị tổ Ấn Độ: Ca-diếp, A-nan và Thương-na- hòa-tu. Còn về truyền thừa tại Trung Hoa thì chép sáu tổ Đông Độ từ ngài Đạt Ma đến ngài Huệ Năng và nối tiếp tên ba vị nữa là Nam Nhạc Hoài Nhượng, Lâm Tế Nghĩa Huyền, Thiên Đồng Viên Ngộ. Ba vị này có quan hệ đến dòng Lâm Tế Thiên Đồng pháp phái. Có chép sai thế thứ hai vị: “Đệ tam thập nhị thế Thiên Đồng Viên Ngộ thiền sư, đệ tam thập thế Nguyên Thiều Thọ Tông hòa thượng”. Thực chất, thiền sư Viên Ngộ đời 30, hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông đời 33 phái Lâm Tế. Bản có ý chép “Tam thập tam thế” nhưng do bất cẩn trong việc sao tả mà thiếu mất chữ “Tam” do đó, đọc thành “Tam thập”.
Bản phú pháp ghi chép từ ngài Minh Hải Pháp Bảo đến Thiền sư Toàn Đạo Viên Đàm như sau:
“Đệ tam thập tứ thế Minh Hải Đắc Trí Pháp Bảo hòa thượng
Đệ tam thập ngũ thế Thiệt Dinh Hiển Triêm Ân hòa thượng
Đệ tam thập lục thế Pháp Chuyên Luật Diệu Nghiêm hòa thượng Đệ tam thập thất đại Toàn Đạo Viên Đàm Chơn Lý hòa thượng”. Bốn dòng trên, chúng tôi chú ý đến ba dòng dưới, hai dòng giữa ghi chép tên có sự tỉnh lược và sai một lỗi. Tỉnh lược như ngài Thiệt Dinh ghi là Hiển Triêm Ân. Long vị chùa Phước Lâm (Hội An) ghi rõ: “Lâm Tế chính tông tam thập ngũ thế húy Thiệt Dinh hiệu Chánh Hiển Ân Triêm hòa thượng”. Do đó, ngài có pháp húy Thiệt Dinh Chánh Hiển Ân Triêm. Đến đời 36 thì tỉnh lược một chữ “Truyền” tức Luật Truyền, pháp tự của ngài Pháp Chuyên Diệu Nghiêm. Về ngài Toàn Đạo có thêm một hiệu nữa là Chơn Lý. Đúng theo kệ pháp của Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo, chữ “Toàn” pháp danh thì tương đương với chữ “Vi” pháp tự như Toàn Nhật Vi Quang, Toàn Thể Vi Lương…
Hai dòng gần cuối, phía trước dòng niên đại có ghi rõ người thầy trao phó cho đệ tử. Bản viết: “Truyền Lâm Tế chính tông tam thập thất đại, húy thượng Toàn hạ Đạo hiệu Viên Đàm Chơn Lý hòa thượng vi bản sư phú thụ tự Lâm Tế chính tông tam thập bát thế húy thượng Chương hạ Từ Thiện Quảng đại sư”. Nghĩa là Hòa thượng Toàn Đạo Viên Đàm Chơn Lý Lâm Tế chính tông đời
37 làm thầy bản sư trao cho đại sư Chương Từ Thiện Quảng nối dòng chính tông Lâm Tế đời 38. Qua đây, Hòa thượng Viên Đàm đã trao phó cho đại sư Chương Từ. Bản Phú Pháp ghi là Chương Từ Thiện Quảng đại sư, hình như tên hiệu ngài Chương Từ được đảo lộn là Thiện Quảng4, chứ long vị và văn bia tại chùa Phước Sơn (Đồng Tròn) đề là Chương Từ Quảng Thiện. Một chứng cứ nữa là bản phú pháp của Thiền sư Chương Từ ban cho đệ tử Ấn Chứng Viên Mãn được tìm thấy cũng đề: “Truyền Lâm Tế chính phổ Tam thập bát thế sa môn húy thượng Chương hạ Từ hiệu Quảng Thiện bổn sư…”. Như thế, xác định rõ tên ngài là Chương Từ Quảng Thiện chứ không phải hiệu là Thiện Quảng.
Đọc bản Phú pháp, chúng ta có dịp bàn lại về sự truyền thừa tại chùa Phước Sơn (Phú Yên). Xưa nay các nhà nghiên cứu cho ngài Chương Từ Quảng Thiện là đệ tử của tổ Liễu Năng Đức Chất5. Có nhiều người còn cho tổ Liễu Năng Đức Chất là đệ tử của ngài Pháp Chuyên nằm trong danh sách 28 vị truyền đăng. Thực tế, khảo sát tư liệu Hán Nôm còn lại cho biết ngài Liễu Năng Đức Chất là đệ tử của ngài Tế Khoan Thiên Quyền, chứ không phải đệ tử của ngài Pháp Chuyên. Và ngài Chương Từ Quảng Thiện là đệ tử của tổ Toàn Đạo Viên Đàm chùa Đức Xuân (nay là chùa Châu Lâm) mà bản phú pháp ghi lại.
Trong số các thiền sư đệ tử của ngài Tế Khoan Thiên Quyền như Liễu Năng Đức Chất, Liễu Diệu Chánh Quang, Liễu Căn (chùa Bảo Sơn), Liễu Hóa Mật Giáo đều ra khai sơn các chùa vào những năm đầu của niên hiệu Gia Long. Khi các ngài viên tịch đều giao chùa lại cho các vị thiền sư dòng Lâm Tế Chúc Thánh như ngài Liễu Năng giao chùa Phước Sơn cho ngài Quảng Thiện, ngài Liễu Diệu giao chùa Triều Tôn cho ngài Quảng Nhuận. Từ đó, các chùa này trở thành tổ đình quan trọng của dòng Lâm Tế Chúc Thánh tại Phú Yên.
Tóm lại, qua việc phát hiện bản phú pháp của ngài Toàn Đạo ban cho đại sư Quảng Thiện, chúng ta từng bước công bố tư liệu về hai ngài. Nhất là xác định rõ mối quan hệ của ngài Quảng Thiện với hai vị đại sư Toàn Đạo và Liễu Năng Đức Chất, một vị là bổn sư, một vị là người giao chùa Phước Sơn cho Thiền sư Quảng Thiện. Từ đó, làm sáng tỏ sự truyền thừa dòng Lâm Tế tại chùa Phước Sơn, tránh ngộ nhận truyền thừa và trụ trì. Sau đây, xin dịch nghĩa bản Phú Pháp.
CHÍNH PHÁP NHÃN TẠNG xuất gia
Đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni
Tổ thứ nhất: Tôn giả Ma-ha Ca-diếp
Tổ thứ hai: Tôn giả A- nan-đà
Tổ thứ ba: Tôn giả Thương-na-hòa-tu. Truyền đến:
Tổ thứ 28: Tôn giả Bồ-đề Đạt-ma. Đến đất này làm sơ tổ.
Tổ đệ nhị: Huệ Khả đại sư Tổ đệ tam: Tăng Xán đại sư Tổ đệ tứ: Đạo Tín đại sư
Tổ đệ ngũ: Hoằng Nhẫn đại sư
Tổ đệ lục: Huệ Năng đại sư
Tổ đệ thất: Nam Nhạc Hoài Nhượng đại thiền sư
Truyền đến:
Đời thứ 11: Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền
Truyền đến:
Đời thứ 32 Hòa thượng Thiên Đồng Viên Ngộ Đời thứ 33 Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông Đời thứ 34 Hòa thượng Minh Hải Đắc Trí Pháp Bảo Đời thứ 35 Hòa thượng Thiệt Dinh Hiển Triêm Ân
Đời thứ 36 Hòa thượng Pháp Chuyên Luật Diệu Nghiêm. Đời thứ 37 Hòa thượng Toàn Đạo Viên Đàm Chơn Lý. Dạy rằng:
Xưa Đức Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Như Lai sắp nhập Niết- bàn, bèn đem chính pháp nhãn tạng, niết-bàn diệu tâm trao cho Tôn giả Ma-ha Ca-diếp làm vị tổ thứ nhất nối tiếp tuệ mệnh của Đức Phật mà hóa độ quần sinh, dắt dẫn lên Đại thừa, truyền đạo vi diệu của Phật, truyền riêng ngoài giáo pháp, thẳng xuống lĩnh nhận để thấy tính thành Phật, đời đời nối nhau truyền thừa mắt pháp, tự mình hành trì và giáo hóa kẻ khác, nối dòng và phát triển giống Phật. Cho đến ta, thân thừa đạo tổ, tông chỉ diệu tâm, sự lý dung thông, tính tướng chẳng ngại, truyền trì đạo này, hoằng pháp lợi sinh. Nay ngươi có đủ lòng gánh vác đạo Đại Thừa, cầu chính nhân Phật, tương lai quả giác, hóa vật độ sinh, cùng làm giống Phật, lợi rộng khắp trời người, đều thành chính giác. Vì vậy, ta đem pháp này phú chúc cho ngươi, lắng nghe kệ rằng:
Pháp là pháp như như
Tâm sinh Phật đều như.
Xưa nay thường thanh tịnh, Mới chứng quả bồ đề.
Nay, ngươi thụ trì pháp này thì thành quả Phật chẳng xa, phát tâm đại thừa, bốn thề nguyện rộng, trên cầu đạo Phật, dưới hóa độ hữu tình, bi và trí song hành, tự tha giác mãn, để báo đáp ơn sâu của Phật Tổ, không quên pháp nhũ, gìn giữ Phật Tổ, truyền diệu tâm Phật, đời đời kiếp kiếp theo học Phật Tổ, như thế là tôn trọng, vâng mệnh phụng hành.
Hòa thượng húy Toàn Đạo hiệu Viên Đàm Chơn Lý làm thầy bổn sư truyền đời thứ 37 chính tông Lâm Tế trao cho: Đại sư húy Chương Từ hiệu Thiện Quảng nối đời 38 chính tông Lâm Tế.
Ngày 15 tháng 7 năm Bính Thân (1836).
Chú thích:
1. Theo các nhà nghiên cứu, Thiền sư Toàn Nhật sinh năm Đinh Sửu (1757), mất năm Giáp Ngọ (1834 ), thọ 78 tuổi. Còn bài bạt Kinh Kim Quang Minh cho biết, lúc ngài Toàn Nhật 76 tuổi nhằm năm Nhâm Thìn. Từ đó suy ra năm Nhâm Thìn phải là năm 1832, trước hai năm sư Toàn Nhật viên tịch.
2. Nguyễn Đình Chúc, tr. 122.
3. Xem Suối Nguồn 5 bài Văn bản Phú Pháp của thiền sư Pháp Chuyên trao cho đệ tử Toàn Tri Thành Lý, Nxb Hồng Đức, năm 2012, tr. 55-63.
4. Cách thức này xuất hiện với tên hiệu của tổ Ân
Triêm ghi là Triêm Ân.
5. Xem Thích Như Tịnh, Lịch sử truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Nxb Phương Đông, 2009, tr.346. Tác giả cho Thiền sư Liễu Năng Đức Chất là đệ tử của tổ Pháp Chuyên. Thực ra, ngài Liễu Năng là đệ tử của Thiền sư Tế Khoan Thiên Quyền, chùa Cổ Lâm thuộc kệ phái “Tổ đạo giới định tông”. Hiện còn bàn chính pháp nhãn tạng của Thiền sư Thiên Quyền ban cho đệ tử Liễu Năng có ghi rõ về pháp phái như sau: “Đệ tam thập nhất thế Thiên Đồng thượng Mộc hạ Trần Đạo Chí hòa thượng lưu truyền. Đệ tam thập nhị thế Báo Tư thượng Khoáng hạ Viên Bản Quả đại lão hòa thượng. Đệ tam thập tam thế Quốc Ân thượng Thọ hạ Tông Nguyên Thiều đại lão hòa thượng thuyền hải nhi lai, trác tích tư thổ, trạch hợp bạch truy, hóa duyên tương mãn phú chúc hữu tại, truyền chí. Đệ tam thập tứ thế Hoàng Long thượng Pháp hạ Thông Minh Dung Thành Chí đại lão hòa thượng. Đệ tam thập ngũ thế tự tổ sa-môn thượng Thiệt hạ Lãm Chí Kiên đại lão hòa thượng. Đệ tam thập lục thế tự tổ sa-môn húy thượng Tế hạ Khoan hiệu Thiên Quyền hòa thượng…”.
Bài & ảnh: ĐỒNG DƯỠNG
Hình ảnh thêm về Phú pháp của Thiền sư Toàn Đạo Viên Đàm