Chuyện này tôi để ý lâu rồi, thấy lấn cấn lắm. Khí đất nước từng bước hội nhập, nồi cơm nhiều nơi khấm khá hơn, làn sóng tốt tươi từ các tổ chức đoàn thể xã hội và tôn giáo, doanh nghiệp... nô nức ra tay làm từ thiện nhân đạo, phần ấm áp thấy được thì đã nói nhiều, phần lấn cấn lại vẫn là tiếc thay yếu tố con người, như mọi sự trên đời.
Việc thiện nguyện ở các nước phát triển, do nhiều thuận lợi, đã rất bài bản, chuyên nghiệp. Đồng tiền, hàng hóa cứu trợ, giúp dỡ, đóng góp cho các sự cố thiên tai, chiến tranh, những hoàn cảnh bất hạnh và trợ giúp cho giai tầng dễ thương tổn... được thu gom, quản lý và phân phối, kiểm soát chặt chẽ từ đó hiệu quả công việc nhân đạo rất cao, chuyện “đạo” làm coi được thậm chí hơn chuyện “đời”, từ đó khiến các nhà tài trợ mạnh thường quân hài lòng, yên tâm về đồng tiền hàng hóa do mồ hôi mình mà có đã đến được đầy đủ đúng nơi đúng chỗ.
Một phần do đội ngũ làm việc thiện nguyện có những nhà chuyên môn, phần khách công việc thiện nguyện thậm chí được đào tạo bài bản, phần khác do nhận thức chung của những người tham gia rất cao, về đạo đức. Tất nhiên, ở đâu cũng có “con sâu” song những bê bối dài chuyện ăn chặn, ăn bớt hay làm thiện nguyện cẩu thả cho có ở các nước phát triển, qua kênh truyền thông cho thấy, không nhiều.
Ở quê tôi, đầu đường cuối phố người ta vẫn còn nhắc hoài chuyện khi cơn bão số 5 tăng tốc miệt đồng bằng hiếm bão lại đem tới cho một số người có trách nhiệm quản lý phân phối hàng cứu trợ một cơ hội! Mà như chuyện đau như thế xuất hiện ngoài đời, trên báo chí, buồn thay, ngày một dày hơn. Việc từ thiện nhân đạo bị tai tiếng, sự đóng góp chật vật hơn vì người ta ngại ngần ở khâu quản lý và phân phối.
Một dự án nọ xin giấu tên vi tế nhị, nhận tài trợ từ A đến Z từ một nhà tư bản nước ngoài hỗ trợ việc tiếp nhận tiến bộ công nghệ cho cộng đồng dân cư, được chính phủ ủng hộ và tạo điều kiện triển khai, nhưng... nhân viên hợp đồng quản lý dự án bằng cung cách quá ư đặc biệt đã khiến hầu như mọi người có nhu cầu và đúng đối tượng thụ hưởng dần dần mất tiêu vì bị tổn thương. Anh ta quát nạt, xô bàn đập ghế, nói móc mỏ mọi khi có thể: Đây là làm phước, đâu có thu tiền, phải sửa chỗ ngồi lại, bỏ dép ngoài kia.... Những người nghèo ngại ngần tiếp xúc, dân quê vốn có đi đâu vào chỗ nghiêm cẩn lại bị quát tháo khinh khi như thế, họ bị tổn thương, rút dần... Một dự án đầy chất nhân văn, được tài trợ trọn gói, nhưng ... Thực ra mọi sự chưa đến Z khi anh nhân viên làm thiện nguyện với tâm thế con buôn, làm hỏng một ý tưởng đẹp lung linh của nhà tư bản nọ.
Dân nghèo không hưởng được giọt phước chỉ vì... khi phỏng vấn xét hồ sơ, người ta không xét hết khía cạnh quan trọng: người phục vụ dự án có gặp gỡ trái tim nhà trài trợ ở tấm lòng hay không để chọn đúng người. Anh nhân viên có thể thông cảm, anh cần tiền, cần việc có nhiều tiền, nhưng nhà từ thiện đã có thiếu sót trong việc dụng người.
Việc từ tâm có nguyên tắc “của cho không bằng cách cho”, người làm thiện nguyện không khéo đã làm hỏng ý tưởng nhân đạo.
Ước mong sao việc từ tâm được thực hiện với con tim từ tâm để đồng tiền mồ hôi của những tấm lòng phát huy được hiệu quả, tưới tẩm cho những hoàn cảnh khó, những tầng lớp dễ thương tổn trong xã hội.
Hình ảnh thêm về Việc thiện nguyện cần có người thiện nguyện