Con người phải học khiêm hư, phải biết nhường nhịn. Quý vị nhường nhịn người khác, người khác nhường nhịn quý vị, nhường nhịn lẫn nhau, xã hội tự nhiên an định, thế giới tự nhiên hòa bình. Trong hai người, có một kẻ tranh, có một người nhường, cục diện ấy sẽ hóa giải hòa bình. Hai người cùng tranh, không nhường nhau, phiền phức xảy ra liền, chiến tranh nổ ra liền. Kết cuộc của chiến tranh là gì? Hai bên cùng bại vong, thương tổn; đấy là chân lý! Vì sao hai bên cùng bại vong, thương tổn; chiến tranh có một bên thắng, một bên bại mà? Không sai! Nhìn bề ngoài thấy có kẻ thắng. Lúc quý vị thắng, quý vị giết bao nhiêu người? Hại bao nhiêu người? Những người ấy đều biến thành oán thân trái chủ của quý vị.
Oán thân trái chủ sẽ làm gì? Họ đầu thai vào nhà quý vị, làm con, cháu, chắt, chút của quý vị, họ đến làm gì? Đến báo cừu, há chẳng phải là hai bên cùng bại, cùng thương tổn ư? Vì thế, quý vị phải thấy được nhân quả báo ứng thì quý vị mới biết. Chẳng những giết người, người sẽ báo cừu, mà giết súc sanh, súc sanh cũng báo cừu. Thậm chí ta phá chặt cây cối, hoa cỏ, những hoa cỏ cây cối có linh tánh ấy cũng báo thù, phiền phức lớn lắm. Con người hiện tại chẳng hiểu đạo lý này, phá hoại môi trường tự nhiên, phá hoại cân bằng sinh thái thì thiên nhiên phải báo thù bằng thiên tai, ôn dịch!
Vì thế, lúc chúng ta cần phải sử dụng tài nguyên thiên nhiên, như chúng ta muốn cất một thảo xá, phải chặt mấy cây gỗ để làm cột, làm kèo, thì đức Phật dạy chúng ta: Ba ngày trước khi chặt cây phải cúng bái, tụng kinh, niệm Phật hồi hướng cho nó. Ba ngày sau mới được chặt cây. Trên cây có thần cây, thỉnh thần cây dọn nhà, dọn qua chỗ khác, chẳng kết oán cừu. Người hiện tại có ai biết đến điều này? Như vậy, vì đâu mà thiên tai lại nhiều đến như thế? Vì chẳng hiểu rõ đạo lý, chẳng thể đối xử hòa bình. Lúc chúng ta thực sự có nhu cầu, đúng là họ có thể cúng dường, có thể phụng hiến, hai bên đều hoan hỷ, tốt hơn nhiều! Chẳng được cậy thế hiếp người, cậy thế hiếp người hậu quả chẳng thể tưởng tượng được đâu! .....
Lão Pháp Sư Tịnh Không (Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm - Phần 7)