- Từ thời phong kiến, người Việt đã chú trọng nhiều đến vấn đề tâm linh, và đã có nhiều vương triều lấy đạo Phật làm quốc đạo và được truyền bá rộng rãi đến nhiều thế hệ cho đến ngày nay. Nét văn hóa của người Việt bao giờ cũng tôn kính thần linh, tôn kính tổ tiên, có thờ có linh, có kiêng có lành. Ngày Tết đầu năm lên chùa để lòng lắng lại sau một năm vất vả nhọc nhằn và để cầu xin mưa thuận gió hòa, hái lộc, cầu bình an trong năm mới đã từ lâu trở thành nét văn hóa đặc trưng và phong tục truyền thống của nhiều người Việt Nam. Tuy nhiên mấy năm gần đây, đi lễ chùa vào dịp Tết nguyên đán đã bị biến tướng ít nhiều thành những trò lố lăng, kệch cỡm. Trong khi người Việt ở hải ngoại đón Tết xa quê luôn mong muốn mang trên mình trang phục áo dài truyền thống để giữ gìn nét văn hóa đặc trưng cùng những phong tục trang nghiêm đáng quý thì người Việt ở trong nước đang dần dần thể hiện ý thức kém cỏi, thiếu văn hóa của mình khi đi lễ chùa ở chốn linh thiêng vào dịp đầu năm mới.
Nếu đặt chân đến các đền, chùa vào những ngày Tết trên cả nước, có thể dễ dàng bắt gặp nhiều bạn trẻ tụm năm tụm bảy cùng nhau đi lễ, xin lộc đầu năm. Hầu như các bạn trẻ này chưa ý thức được về việc ăn mặc hay trang phục của mình vào dịp đầu năm mới ở chốn trang nghiêm. Các cô gái trẻ thì thích mặc quần áo hở hang, khoe nhiều da thịt, thậm chí có cô còn ăn vận trang phục chẳng khác nào đồ ngủ ở nhà. Các chàng trai thì đầu tóc để dài, nhuộm xanh nhuộm đỏ, ăn nói lớn tiếng, cười đùa mất trật tự trong khuôn viên nhà chùa. Đó là chưa kể có nhiều thanh thiếu niên còn vô ý thức, có những hành động quá lố khiến nhiều người cảm thấy bức xúc, phẫn nộ như trèo lên tượng phật, ngồi vắt chân, cười đùa và chụp hình.
Người trẻ thì thế. Còn mấy cô mấy dì lớn tuổi cũng chẳng kém. Họ đi lễ chùa đầu năm với những bộ váy ngắn, quần short một cách tự nhiên theo sở thích của mình mà không ý thức được rằng trang phục này không phù hợp với nơi linh thiêng, thờ cúng và đặc biệt là tạo sự phảm cảm, khó coi cho nhiều người xung quanh. Có nhiều phụ nữ đứng tuổi còn vô tư dùng điện thoại chụp hình trong lúc tay cầm cả bó nhang đang cháy để ghi lại hình ảnh mình đang thành tâm khấn vái để có cái khoe với bạn bè hay chia sẻ trên trang mạng xã hội cá nhân. Tôi chẳng hiểu họ thành tâm khấn vái kiểu gì với một tay cầm bó nhang đang rực cháy và một tay cầm điện thoại tự chụp hình. Rồi cả việc cúng dường đầu năm và xin lộc bình an. Cúng dường đầu năm là do lòng hảo tâm của mỗi người, chẳng có đấng cao nhân nào chứng minh rằng cúng dường càng nhiều tiền của thì càng được giàu có. Ấy vậy mà các cô các dì lại cứ chen chúc, tranh nhau mà cúng dường, nhét nhiều tiền, rồi cả vàng miếng, vàng thẻ vào hòm công đức cho thỏa thích mong ước được phát tài già sang vào năm mới. Thậm chí cái hành động bỏ tiền, bỏ vàng vào hòm công đức cúng dường của các cô các dì tuy chỉ diễn ra trong chốc lát vài giây nhưng dường như đó là khoảng khắc để họ thể hiện độ giàu có, chịu chi của mình vào ngày đầu năm. Sự lộn xộn, mất trật tự của việc cúng dường đã làm xấu đi hình ảnh trang nghiêm chốn linh thiêng vào ngày đầu năm mới. Vậy mà càng ngày, mỗi năm dịp năm mới Tết đến, vấn nạn này diễn ra ngày càng nhiều. Chẳng hiểu ý thức và trình độ hiểu biết văn hóa của người Việt Nam mình giờ đây như thế nào mà họ có thể thản nhiên hành động và cư xử một cách vô ý dến như vậy ngay trên quê hương mình, một đất nước mà đạo Phật, đền thờ, đình chùa được hầu hết người dân chọn là nơi để gởi gắm niềm tin và tâm linh.
Đầu năm đi lễ chùa để lòng người hướng thiện. Mái đình, cửa chùa đều là chốn linh thiên, trang nghiêm luôn được xem là nơi tốt lành cho việc xuất hành đầu năm của mọi người. Chợt nghĩ người việt ở nước tuy sống xa quê hương nhiều năm qua nhưng Tết nào khi đến cửa chùa, nhìn thấy các dì các cô trong trang phục áo dài truyền thống cùng những em nhỏ cũng được mặc trên người chiếc áo dài đậm đà màu sắc dân tộc Việt Nam trên đất khách là thấy một mùa xuân ấm lòng người tha phương đang đến. Vậy mà ở ngay trên mảnh đất quê hương Việt Nam mình, những năm gần đây khi xuân về Tết đến, lại có nhiều người đang làm mai một và làm xấu đi hình ảnh văn hóa truyền thống đáng quý này. Mùa xuân, mùa của lễ hội, mùa đoàn viên, mùa gợi nhớ về cội nguồn quê hương dân tộc, và là mùa của những ước vọng, chỉ mong rằng hình ảnh đi lễ chùa đầu xuân mãi là một hình ảnh đẹp, một phong tục truyền thống đáng quý được giữ gìn cho nhiều thế hệ người Việt mai sau cho dù là ở ngay trên quê hương Việt Nam hay ở nơi xứ lạ, đất khách quê người.
Hình ảnh thêm về Chút suy ngẫm về nét văn hóa đi lễ chùa ngày đầu năm