Một triết gia từng nói: “Một trong những điểm yếu đặc biệt nhất trong bản tính con người chính là quá để tâm đến người khác nhìn nhận mình như thế nào”.
Cảm xúc buồn vui, yêu ghét của một người thường chịu ảnh hưởng bởi hoàn cảnh bên ngoài, chứ không phải tự mình tạo ra. Ví như nói, trong công việc, nếu ai đó cố tình gây khó dễ cho bạn, bạn sẽ rất tức giận; nếu ai đó vu khống bạn, bạn phải cật lực giải thích rõ ràng mới thôi, thậm chí là đánh nhau với người tung tin đồn thất thiệt về bạn.
Cuộc sống khó khăn, bạn đều phải tự mình vượt qua. Người có thể thật sự giúp bạn thoát khỏi nỗi đau không phải người khác, mà là chính bản thân bạn. Một số phúc lành là đến từ mồ hôi và trí tuệ của bạn, nhưng cũng có cái là đến từ thế giới nội tâm của bạn.
Cuộc sống cũng như một con lắc đồng hồ, mỗi ngày đong đưa giữa đau thương và hạnh phúc. Một niệm là Phật, một niệm là quỷ, người khôn ngoan dù vạn vật biến hóa vô thường cũng sẽ không đánh mất hạnh phúc của mình.
Lấy bất biến ứng phó vạn biến mới là đại trí huệ làm người. Hãy để người khác là người khác, hãy để chính mình là chính mình, khi ta bớt một phần dính mắc, tự nhiên sẽ thêm một phần tự tại.
Nhà văn Dale Carnegie nói: “Muốn khiến người khác thích bạn, trước tiên bạn phải thay đổi thái độ đối với mọi người, tâm tình thoải mái, biểu cảm tự nhiên, nở nụ cười tươi tắn, như vậy người khác tự nhiên sẽ có cảm tình với bạn”.
Cũng chính là nói rằng, việc người khác có thích bạn hay không, và họ có nguyện ý khen ngợi bạn hay không, không phải là quyết định của người khác, mà là do chính bạn quyết định.
Nếu có một ngày, bạn phát hiện ra người khác trợn mắt hất hàm với bạn, đó không phải là lỗi của người khác, mà là bạn đã làm điều gì đó khiến người khác nhìn không quen. Nếu có người nhìn thấy bạn liền đi đường vòng, đó là có lý do cả. Nhiều khả năng là bạn sứt mẻ tình cảm với anh ấy, hoặc bạn thích bắt nạt người khác, khiến họ cảm thấy sợ hãi.
Khi bạn ngày càng quan tâm nhiều hơn đến ánh mắt của người khác, bạn sẽ thấy rằng bất cứ điều gì bạn làm đều sẽ không khiến người khác cảm thấy hài lòng, và bạn sẽ mệt đến thở không ra hơi.
Nhiều khi thực tế chứng minh rằng những thay đổi của bạn có thể thay đổi cách nhìn của một số người về bạn, chứ không thể thay đổi quan điểm của tất cả mọi người về bạn. Dù bạn có hành thiện cả đời cũng khó có được sự công nhận của mọi người, có người còn cho rằng bạn đang “mua danh cầu lợi, tìm kiếm sự nổi tiếng”. Có người khi không nhận được sự giúp đỡ của bạn sẽ cho rằng bạn quá ích kỷ, hẹp hòi, lòng tốt trao không đúng chỗ, không tội nghiệp người đang khó khăn như anh ta.
Bởi vậy, bạn không nhất thiết phải sống trong ánh mắt của người khác, mà hãy kiên trì với một loại thái độ làm người – chỉ làm những điều tốt, đừng hỏi về tương lai. Dù người khác có nhìn nhận bạn thế nào, bạn đều không cần để tâm thái quá. Bạn hãy tự suy xét lại bản thân, sau đó dùng cách thích hợp nhất để đối nhân xử thế, không thẹn với lòng là được.
“Chín người mười ý”, một người khó có thể làm hài lòng tất cả được.
Năm ngoái, đơn vị chúng tôi có thuê một đầu bếp. Khi đầu bếp mới đến, cấp trên đã giới thiệu ông ấy như thế này: “Anh ấy từng nhận thầu nhà ăn cho nhiều đơn vị, tự mình mở qua quán ăn, kinh nghiệm nấu ăn rất phong phú”.
Mới đầu mọi người đều rất kính nể vị đầu bếp, bởi các món ông ấy nấu thật sự rất ngon, ít nhất so với tay nghề của đầu bếp lúc trước còn ngon hơn cả chục lần.
Sau nửa năm, một số người ở công ty bắt đầu chê bai người đầu bếp này. Đồng nghiệp A nói: “Đầu bếp này khi nấu cho nhiều ớt quá, cũng không quan tâm đang là mùa gì, trời nóng như vậy, ăn nhiều ớt thế rất dễ nóng trong người. Đồng nghiệp B thì nhận xét: “Đầu bếp này không hào phóng chút nào. Món canh chua hôm qua tính tôi 10 đồng lận. Thật sự quá đắt, đắt hơn nhiều so với mấy quán ăn bên ngoài”.
Khi ngày càng có nhiều những lời thị phi, người đầu bếp đó đã xin nghỉ việc. Sau khi người đầu bếp rời đi, những người đưa ra nhận xét vô trách nhiệm trước đó đã thay đổi cuộc trò chuyện của họ và nói rằng người đầu bếp đó tuyệt vời như thế nào.
Từ sự việc người đầu bếp, cuối cùng tôi đã hiểu một đạo lý rằng, dù bạn có làm tốt đến đâu cũng không thể làm hài lòng tất cả. Mỗi người đều có một cái miệng, và là một cái miệng biết nói chuyện. Người khác nói gì bạn cũng không ngăn nổi, vậy nên bạn cũng không cần để tâm quá làm gì.
“Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”. Khi bạn quá để tâm đến lời nói của người khác, hoặc là bạn sẽ thấy ấm lòng, hoặc là lòng tê tái, cảm xúc cũng sẽ bị người khác kiểm soát.
Người thông minh, hiểu được cảm kích những lời nói tử tế và quên đi những lời nói không hay của người khác. Nhiều lúc bạn hãy xem lời nói của người khác như gió thoảng qua tai, mỉm cười cái là xong.
Dante từng viết trong “Thần Khúc” rằng: “Hãy đi theo cách của riêng bạn, mặc kệ lời người khác nói”. Có lẽ cách sống tốt nhất là bỏ ngoài tai những lời nói vô thưởng vô phạt của người khác.
Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Pythagoras đã nói: “Những ai không kiểm soát được bản thân thì không thể gọi là người tự do”. Trên thực tế, chúng ta không cần phải đi ước thúc người khác, mà hãy ước thúc chính mình. Thật tuyệt vời làm sao khi có thể quản tốt chính mình.
Làm thế nào để là chính bạn?
Thứ nhất, hãy kiên định với lý tưởng của mình. Làm người sống có lý tưởng thì sẽ không bao giờ lạc lối. Lời nói và ánh mắt của người khác có thể trở thành chướng ngại vật trên đường đời, nhưng cũng có thể trở thành động lực thôi thúc lý tưởng của mình. Biết cách “thoát khỏi” lối tư duy của người khác sẽ khiến cuộc đời của bạn trở nên độc đáo, lý tưởng của bạn cũng sẽ trở thành hiện thực.
Thứ hai, kiên quyết thay đổi bản thân. Hãy là chính mình, nhưng tuyệt đối đừng “cố chấp vào nhận thức của mình” một cách mù quáng, mà hãy khéo léo linh hoạt. Khi bạn quyết định thay đổi bản thân, bạn có thể lắng nghe ý kiến của người khác và chấp nhận những ý kiến hợp lý.
Thứ ba, phải biết chọn bạn mà chơi. “Gần người quân tử, xa kẻ tiểu nhân”, đừng coi tất cả mọi người đều là bạn, hãy tránh xa những người chuyện gây chuyện thị phi, nhất là những kẻ tiểu nhân nấp trong bóng tối. Bạn đừng nghĩ rằng các mối quan hệ xã hội là không có lợi ích gì, nó là nguồn tài nguyên của quan hệ nhân sinh cả đấy.
Thứ tư, kiên trì làm một người tốt. Người thiện lương sẽ được thiện báo. Khi bạn kiên trì làm một việc tốt vẫn sẽ có rất nhiều người hiểu lầm bạn, cũng sẽ có người tấn công bạn, nhưng cuối cùng những điều này sẽ chỉ giúp bạn thêm tỏa sáng và nổi bật.
Thứ năm, nhất định phải làm hài lòng bản thân. Thay vì khom lưng cúi đầu trước người khác, chi bằng hãy khiến bản thân trở nên xuất sắc hơn. Khi cuộc đời của bạn có sự khởi sắc, tự nhiên bạn sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc.
Nhà văn Hồng Kông nổi tiếng Dịch Thư từng nói: “Đời người chỉ mấy chục năm ngắn ngủi, điều quan trọng nhất là cần thỏa mãn bản thân, chứ không phải lấy lòng người khác”.
Cuộc đời sau này, bạn hãy sống sao cho thật tốt và sống cho chính mình. Những lúc mệt mỏi, hãy dừng lại nghỉ ngơi rồi bước tiếp; những lúc yếu đuối thì hãy im lặng, ở một mình sẽ khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn; khi thành công hãy là một người khiêm tốn, tận hưởng hạnh phúc của riêng mình.
Theo Aboluowang
Vũ Dương biên dịch