Dạy con biết đọc biết viết sớm có tốt không?
Việc cho con biết đọc biết viết trước khi vào lớp 1 là không cần thiết. Nhiều chuyên gia tâm lý học đã khuyến cáo, việc dạy trẻ biết đọc, biết viết trước tiểu học chưa chắc đã tạo điều kiện thuận lợi cho thành công học đường mà còn là nguyên nhân dẫn đến trẻ chán học, tiềm ẩn nguy cơ thất bại học đường. Vì khi đến lớp trẻ phải được khám phá cái mới thì mới hứng thú với trẻ, nhưng khi vào lớp 1 trẻ đã biết và không cần học nên dẫn đến sự mất tập trung, thiếu hứng thú, dần dần trẻ sẽ giảm “nhu cầu” học tập.
Không nên tự hào vì con mình biết đọc viết sớm bởi vì hết học kì I của lớp 1 khả năng đọc viết của trẻ nào cũng như nhau.
Rèn khả năng tập trung cho con bằng cách nào?
Cần phải hiểu, khả năng tập trung của trẻ ở các độ tuổi khác nhau là khác nhau. Theo đó, khả năng tập trung của trẻ 18 - 36 tháng chỉ được 5 phút, lớn hơn khoảng 15 phút và ở trẻ 5 - 6 tuổi rơi vào khoảng 25 phút.
Tại sao trẻ con lại tập trung khi xem tivi? Là do hình ảnh sống động, hấp dẫn. Vậy nên khi giao việc cho trẻ hãy đi theo hướng này.
Trẻ tập trung hay không một phần phụ thuộc vào nghệ thuật sư phạm của bố mẹ và giáo viên. Rèn luyện thói quen tập trung phải theo từng bước một và cần một quá trình, một số lưu ý sẽ giúp trẻ tập trung tốt hơn:
- Hãy bắt đầu bằng những sở thích và hứng thú của trẻ để hướng tới những hoạt động khác đòi hỏi sự tập trung hơn.
- Khi rèn trẻ tập trung hãy tạo môi trường hạn chế các đồ vật xung quanh trẻ như tivi, đồ chơi… những thứ có thể gây cho trẻ xao lãng.
- Xây dựng các “nhiệm vụ” từ đơn giản đến khó, từ dễ đến phức tạp.
- Thường xuyên khuyến khích những việc trẻ đã làm được khi đòi hỏi sự tập trung.
Có nên dạy con tiêu tiền sớm?
Cho trẻ nhận biết sớm về tiền và giá trị đồng tiền không có gì sai cả. Vấn đề không phải là sớm hay muộn, quan trọng là bố mẹ dạy con tiêu tiền như thế nào, hãy cho trẻ cảm nhận được giá trị của đồng tiền.
Vấn đề là nếu bố mẹ cho con tiền, sau đó con tiêu vào việc gì mà hoàn toàn không biết, không thể kiểm soát được thì là điều hoàn toàn không nên. Bản chất của việc tiêu tiền phải có ích, vì vậy khi cho trẻ tiêu tiền bố mẹ hãy tìm hiểu động cơ, lý do mà trẻ đã tiêu tiền vào việc đó. Thay vì phê phán, cố gắng tạo cơ hội chia sẻ cho con về giá trị đồng tiền, cách thức kiếm tiền từ những câu chuyện trong gia đình.
Ví dụ cả nhà đi ăn nhà hàng, bạn sẽ nói với con số tiền ăn tương ứng với bao nhiêu ngày bố mẹ đi làm việc. Một tháng bố mẹ kiếm được chừng này tiền, một khoản đóng tiền học cho các con, một khoản mua đồ chơi, đi ăn, giành cho trả tiền điện, nước… nên muốn làm gì cũng phải tiết kiệm và cân đối tiền mới đủ cho tất cả các khoản trong gia đình.
Cha mẹ hãy tận dụng những tình huống cụ thể trong gia đình để giáo dục con về giá trị của đồng tiền và cách chi tiêu: Ví dụ, trẻ hay nghịch nước và lãng phí nước rất nhiều. Nếu chỉ mắng trẻ vì hành động này trẻ sẽ chỉ tạm dừng một thời gian và tiếp tục khi không có sự giám sát của bố mẹ. Nhưng nếu cha mẹ nói hôm nay nghịch mất nhiều nước quá nên sẽ mất thêm một chút tiền nước, sẽ không có khoản mua đồ chơi của tháng này thì con sẽ dừng lại.
Bạn không thể cấm mà chỉ cho con thấy hành động này sẽ dẫn đến mất giá đi một “quyền lợi” trực tiếp của con.
Thường xuyên mắng con có tốt?
Thường xuyên mắng con thực sự là không tốt, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ sau này, khi lớn lên con cũng sẽ dễ mắng mỏ người khác. Khi cha mẹ thường xuyên mắng trẻ sẽ khiến trẻ lo lắng, sợ hãi và bất an. Điều này làm cho trẻ có thể tự ti và có tâm lý sợ bị mắng. Lâu dài có nguy cơ dẫn đến sự thất bại học đường, giao tiếp với bạn bè, tham gia các hoạt động vì trẻ sẽ thu mình, ngại thể hiện bản thân và lo sợ mọi người sẽ mắng mình.
Có nên tạo áp lực học cho trẻ?
Thay vì đưa con ra so sánh với các bạn đồng trang lứa và quan tâm đến điểm số, các bậc cha mẹ chỉ cần biết hôm nay đến trường con đã được học những gì, tiếp thu được những kiến thức nào, con có vui vẻ khi đến trường hay không. Tâm lý thoải mái sẽ khiến con bạn không cảm thấy bị áp lực từ việc học.
Nếu cha mẹ muốn trẻ học những môn năng khiếu như đàn hát, múa, võ,… nên hỏi xem con có muốn học. Không nên ép chúng học theo ý thích của cha mẹ khi chúng không thích. Hãy để trẻ được thỏa mãn nhu cầu cá nhân khi đó trẻ mới có động lực học.
Đừng đòi hỏi ở con mình tài năng khi chúng không có. Bạn không nên nghĩ rằng con mình kém cỏi. Có thể trẻ không giỏi lĩnh vực này nhưng lại nổi trội ở lĩnh vực khác. Nhiều khi chỉ vì sĩ diện hão của bố mẹ nên đã cướp đi hạnh phúc của con, điều đó chỉ làm con căng thẳng và đối diện với thất bại học đường nhiều hơn hoặc phát triển lệch.
Thùy Chi
Hình ảnh thêm về "Đừng vì sĩ diện của bố mẹ mà làm con mất hạnh phúc"