“Chú ơi, cho con hai ngàn đi chú. Con đói quá. Từ sáng tới giờ chưa có miếng nào. Con tới từ Phú Mỹ. Con không có bố mẹ. Con ở với anh trai. Nhà con là trại mồ côi, nhưng họ cho anh em con đi rồi”.
Đó là lời của em Nguyễn Văn Tiến, một đứa trẻ lang thang kiếm sống bằng nghề hát rong và bán vé số mà tôi đã gặp ở quán cà phê Hồng Thắm, phường 11, TP.Vũng Tàu.
Con chỉ mong một lần gặp mẹ
“Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ/tuổi ấu thơ đã mang nhiều âu lo/ngày nó sống kiếp lang thang/ngẩn ngơ như chim xa đàn/ nghĩ mình tủi thân vô vàn”. Tôi giật mình quay lại. Một cậu bé khuôn mặt khôi ngô, nước da đen nhẻm, vai đeo loa di dộng, tay ngửa mũ xin tiền lẻ của nhiều thực khách tại quán cà phê. Nhiều ánh mắt đổ xô về phía em bởi tiếng hát phát ra từ chiếc loa cũ kỹ nghe não lòng xót ruột.
Thằng bé đến chỗ tôi. Khuôn mặt thơ dại, ngờ nghệch. “Chú ơi cho con hai ngàn đi. Từ sáng tới giờ con chưa ăn gì, đói quá”. Tôi kéo ghế, “cháu ngồi xuống đây”. “Thôi, cháu không ngồi đâu. Cháu còn phải ra cho kịp xe buýt”. Khi biết tôi quan tâm đến hoàn cảnh của em, Tiến bắt đầu chia sẻ về mảnh đời bất hạnh của mình. “Con không có cha mẹ. Con ở với anh trai. Hai anh em con ở trong chùa. Trước đây con ở trại mồ côi, nhưng họ thả hai anh em con ra rồi”, Tiến nói bằng giọng buồn buồn như vậy.
Theo lời em, bố mẹ em đã bỏ nhau từ lúc em chưa đầy hai tuổi. Em cùng anh trai Nguyễn Văn Ngọc ở trại trẻ mồ côi Phú Mỹ (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Chẳng biết bố mẹ em là ai, chỉ biết các cô chú trong trại mồ côi Phú Mỹ nhặt được hai anh em Ngọc, Tiến trong một đêm giông mưa tầm tã, rồi đem về nuôi và cho học chữ.
Mặc dù ở trại mồ côi, hai em được chăm sóc yêu thương, nhưng hai em vẫn khát khao tình mẫu tử. Chính vì vậy mà luôn thúc giục hai em, một ngày nào đó phải tìm bố mẹ đẻ ra mình. Vậy là năm lên 12 tuổi, cuối năm 2011, Ngọc bỏ trại mồ côi dẫn em đi tìm mẹ, nhưng biết tìm đâu khi các em chưa hề biết mặt bố mẹ chúng là ai. Lang thang khắp nẻo đường góc phố, đói rét, nắng mưa không làm các em nản chí. “Con chỉ mong một lần được gặp mẹ rồi mãi mãi xa nhau cũng được”, Ngọc nói trong nước mắt.
Ánh mắt em lúc nào cũng đượm buồn vì cuộc mưu sinh và những ngày dài khoắc khoải tìm ba mẹ
Với mong mỏi ai đó nhận ra mình, hai anh em Ngọc và Tiến đã chia nhau ra đi hát. Nếu anh đi bãi biển, thì em hát trong hẻm phố. Để không lạc đường, hai em đã hẹn nhau 12 giờ trưa đến công viên Bãi Trước Vũng Tàu. Bánh mì khô thay cơm trưa, chỗ ngủ là ghế đá công viên. Thằng anh ngủ, thằng em thức để “bảo vệ”.
“Ở công viên cũng nhiều người giật đồ lúc con ngủ, nên anh Ngọc ngủ thì con thức canh chừng. Trưa nay con ngủ, ngày mai đến lượt anh Ngọc. Chúng con đã móc ngoéo với nhau vậy rồi”, Tiến chia sẻ.
Trong hành trình đi tìm cha mẹ, các em không chỉ tìm ở công viên, quán cà phê, hẻm sâu, mà cả ở nhà hàng, khách sạn. Một lần hai em mò đến cổng khách sạn Grand ở Bãi Trước Vũng Tàu hát, liền bị bảo vệ đuổi. Đúng lúc đó có 4 người khách sang trọng đi vào. Một người đàn bà trong số họ nhìn các em hồi lâu. Bà móc bóp cho 200 ngàn rồi đi nhanh vào khách sạn. Bà còn ngoảnh lại nhìn các em lần nữa trước khi cánh cửa cầu thang máy khép lại.
Cầm tờ giấy bạc 200 ngàn, nhìn theo người đàn bà, Tiến rớt nước mắt. Em nghĩ về mẹ em. Có lẽ, bà cũng trạc tuổi người đàn bà ấy. “Có bữa trời mưa, hai anh em con rét run cả người. Chạy vào quán phở Bắc Hải, nhưng không đủ tiền ăn. Phở họ bán 35 ngàn đồng một tô, mà trong túi có 25 ngàn. Con mua 25 ngàn họ cũng bán. Thấy hai anh em con ăn chung một tô phở, có một bác ngồi bàn bên cạnh đến hỏi han và mua cho con một tô phở gà to. Bác ấy cũng hỏi chuyện bố mẹ ở đâu và mua 10 tờ vé số. Đi hát, con cũng gặp nhiều người tốt bụng lắm”, Tiến cho biết.
Khi hỏi chuyện tìm cha mẹ, Tiến chia sẻ, lúc ở trong trại mồ côi huyện Phú Mỹ, những người trong trại cũng thông báo tìm kiếm cha mẹ cho hai em, nhưng nhiều năm không ai đến nhận. “Trong trại mồ côi, nhiều bạn cũng như con. Không có cha mẹ. Cũng có bạn được cha mẹ đón về, sau đó lại đem đến cho ở lại. Hai anh em con không thấy cha mẹ đến đón. Anh Ngọc bảo, phải tìm được cha mẹ bất cứ giá nào. Việc rời trại mồ côi đi hát, bán vé số cũng do anh Ngọc cả. Sau khi rời trại mồ côi, con xin vào chùa Đại Tùng Lâm tá túc. Nhà chùa biết hoàn cảnh của tụi con nên cho ở trong chùa cùng nhiều trẻ mồ côi khác. Ngày đi hát tìm cha mẹ, tối về chùa ngủ lại, ngày mai lại đi. Có bữa đi hát ở xa quá tận Long Hải, trời mưa không về được, con ngủ ở công viên hoặc vỉa hè, hành lang ở chợ”, Tiến bùi ngùi chia sẻ.
Đoạn trường hai kiếp mồ côi
Các em đã “sáng tác” ra cách viết chữ “tìm cha mẹ” vào tờ giấy A4, rồi ép lại, dán vào chiếc loa, đeo bên người. Trong giỏ túi quần áo, lúc nào hai anh em cũng có hơn chục tấm ảnh hai anh em chụp chung. Mỗi khi gặp ai đó thân thiện, Tiến lại đưa ảnh ra cho họ xem và nhờ tìm cha mẹ cho mình. Hai anh em thống nhất chỉ mặc áo phông xanh, đội mũ vải mềm: “Con làm như vậy để nếu ai tìm, cũng dễ nhận ra. Con chưa biết mặt cha mẹ ra sao, nhưng con vẫn hi vọng một ngày nào đó, cha mẹ con sẽ tìm đến”.
Và để mưu sinh trong hành trình tìm bố mẹ, hai anh em đã mua chiếc loa di động của người lượm ve chai 180.000 đồng cùng đài cát-sét cũ kỹ. Lúc tập vé số trên tay, lúc làm “ca sĩ đường phố”, khi quá mệt thì mở băng phát qua loa. Những bài các em mở cho khách nghe chủ yếu hát về mẹ hoặc những cảnh đời bi thương. “Chúng con phải tìm được bằng mẹ thì thôi. Chỉ mong được gặp mẹ một lần để biết ai là người sinh ra chứ”, Ngọc quả quyết.
Trách nhiệm của những người làm cha mẹ, sinh con ra trong đời, đừng để tuổi thơ con phải khổ vì lạc mất tình thân. Ảnh minh họa
Để tồn tại, hai em đã “móc ngoéo” với nhau “lấy ngắn nuôi dài”, tức là phải mưu sinh kiếm sống để tìm bố mẹ. “Một ngày con hát được 100.000 đồng. Cũng có khi gặp ai thương tình, họ cho cả trăm, năm chục. Còn chủ yếu là tiền lẻ. Con đi hát xin tiền ở quán cà phê”, Tiến cho biết.
Một ngày mưu sinh của hai anh em Ngọc, Tiến bắt đầu bằng 6h sáng từ chùa Đại Tùng Lâm, huyện Tân Thành đi xe buýt xuống Vũng Tàu. Sở dĩ, hai em chọn Vũng Tàu để mưu sinh và tìm mẹ vì nơi đây đông người, nhiều khách du lịch. Biết đâu trong dòng chảy của hàng triệu lượt khách thập phương, có bố mẹ các em. Thằng lớn 14, đứa em 12. Ở lứa tuổi ấy, lẽ ra các em phải được sống, học hành trong sự yêu thương của bố mẹ, vậy mà các em phải lang thang, bơ vơ tìm người sinh ra nó khắp nẻo đường.
Chẳng biết bố mẹ của hai anh em Ngọc, Tiến là ai, đang ở phương trời nào? Họ có nghe thấy lời các em than thở? Họ có biết các em đang nỗ lực tìm họ trong khắc khoải vô vọng. Họ nhẫn tâm bỏ rơi hai đứa con bơ vơ giữa dòng đời đầy cạm bẫy. Nước mắt các em đang rơi từng ngày trên đường phố, sự nhọc nhằn các em đang trải qua, tương lai các em mù mịt vô định. Các em còn quá nhỏ để hiểu nỗi mồ côi đoạn trường.
Chiều cuối tuần, thành phố Vũng Tàu đông như trẩy hội. Dân Sài Gòn đổ về tắm biển ngập Bãi Trước, Bãi Sau. Đối lập với mức sống thượng lưu ấy, Ngọc và Tiến vẫn âm thầm len lỏi trong quán cà phê, góc đường, đầu hẻm. Bụng đói meo, chân rã rời, giọng khàn đặc, nhưng hai em vẫn cố gắng bán những tờ vé số cuối cùng.
Ngọc và Tiến khuất dần trong con hẻm đầu đường Đô Lương khi trời vừa chập tối. Tiếng hát não lòng phát ra từ chiếc loa cũ kỹ: “Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ, một chén cơm chiều nên lòng chưa no”.
Một ngày cực nhọc trôi qua. Ngọc và Tiến trở về chùa Đại Tùng Lâm trong thất vọng. Và sau một đêm mơ màng gọi mẹ, niềm hi vọng lại bắt đầu. “Dẫu có thể là vô vọng, nhưng hành trình tìm bố mẹ của hai anh em con chưa bao giờ tắt”, Ngọc chia sẻ.
Mai Thắng
Hình ảnh thêm về Hai anh em mồ côi 12 năm hát rong tìm cha mẹ