Hiện nay, có một số vị tu sĩ Phật giáo có một số bộ y phục "lạ", đắp y gấm vóc lụa là hoa hòe xanh đỏ. Lên mạng search thì cũng có những hình ảnh tu sĩ Phật giáo ăn mặc như thế.
Thực tế y phục Phật giáo như thế nào? Chúng tôi xin trích dẫn một tư liệu để tìm hiểu trên nền tảng Phật học.
Ảnh minh họa không liên quan đến nội dung cụ thể trong bài viết
Tư liệu dưới đây trích từ tác phẩm “Thiền lâm bảo huấn”, một tuyển tập “ngữ lục” của các vị cao tăng Trung Quốc, HT. Thích Thanh Kiểm dịch.
Trong bản dịch, HT.Thích Thanh Kiểm đã dẫn lại nguyên văn bản gốc Hán Việt để bạn đọc đối chiếu thể hiện ý thức giữ gìn, bảo vệ sự toàn vẹn và chính xác của tác phẩm, tôn trọng các tác giả.
Nội dung bản dịch cho thấy vị thiền sư cao tăng hết sức coi trọng dư luận, coi trọng công chúng, coi trọng ý kiến, coi trọng sự phê phán, cẩn trọng để không rơi vào tâm điểm phê phán.
Vấn đề y phục xa hoa, chỉ nặng về mặt hình thức, chỉ mới là một góc nhỏ của vấn đề tu sĩ Phật giáo xa hoa. Xa hoa trú xứ, xa hoa tiện nghi, xa hoa vật dụng, xa hoa phương tiện di chuyển…
Tất cả những thứ xa hoa đó đều là tâm điểm của việc phê phán, đồng thời cũng là chỗ mà những kẻ muốn tổ chức tập kích truyền thông vào Phật giáo lợi dụng, thêm thắt và xuyên tạc như chụp ảnh một vị cạo đầu (chưa xác minh chính xác có phải là nhà sư hay không) đi xe tay ga để minh họa cho một bài báo phê đấu một vị sư có tên tuổi đang làm trụ trì tại một ngôi chùa cụ thể.
Đặt vấn đề này có nghĩa cũng là cần thiết để cùng nhận được những góp ý chân thành, xây dựng.
Chúng tôi mong rằng, đoạn ngữ lục được trích dẫn dưới đây có ích cho những người liên hệ, khiến có việc suy nghĩ lại, vì lợi ích chung của Phật giáo Việt Nam và vì lợi ích riêng của bản thân họ.
Chúng tôi nghĩ rằng cách làm đối chiếu song ngữ nguyên bản chứng tỏ việc dịch sát nghĩa và tin cậy, cũng là điều mà những người đã tùy tiện sửa, đổi, thêm, bớt, xáo trộn, tạo kinh Phật mới, đưa bản dịch đi quá xa với nguyên tác nên suy nghĩ và rút kinh nghiệm cần thiết trong việc phiên dịch, xuất bản kinh sách Phật giáo.
“Thiền Lâm bảo huấn” chỉ là lời tổ, mà HT.Thích Thanh Kiểm còn cẩn trọng như thế, huống chi là đối với kinh Phật, mà còn lại là kinh tụng.
Dưới đây là đoạn trích để tham khảo:
“76. Chữ Hán: Chân Tịnh trụ Kiến Khang Bảo Ninh, Thư Vương trai thấn tố kiêm. Nhân vấn thị Tăng: “Thử hà vật?”. Đối viết: “Phưởng ty la”. Chân Tịnh viết: “Hà dụng”. Thị Tăng viết: “Kham tố ca sa”. Chân Tịnh chỉ sở y bố Già Lê viết: “Ngã tầm thường phi thử, kiến giả diệc bất thậm hiềm ố”. Tức linh tống khố tư cô mại cung chúng. Kỳ bất sự phục sức như thử.
Nhật Thiệp ký.
76. Dịch nghĩa: Chân Tịnh ở chùa Bảo Ninh thuộc Kiến Khang. Có Thư Vương (1) cúng trai và thần vật như lụa là… Nhân hỏi Tăng thị giả: “Đây là vật gì?”. Thị Tăng nói: “Tơ gai lụa là”. Chân Tịnh hỏi: “Dùng làm gì?”, Thị Tăng nói: “Dùng để may ca sa”. Chân Tịnh chỉ vào tấm áo Già Lê mình đang mặc bằng vải thô và nói: “Ta mặc áo tầm thường như thế này, mà cũng chẳng tránh được sự phê phán của người đời, nữa là lại dùng tơ lụa như vậy ư”. Ngài liền ra lệnh đưa cho người coi kho đem bán lấy tiền cung chúng. Ngài chẳng những về hình thức phục sức là như thế.
Nhật Thiệp Ký.
Minh Thạnh
-----------------
Chú thích:
(1)Thư Vương: Tức Kinh Công. Vưa Tống Huy Tông tặng Kinh Công làm Thư Vương.
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của tác giả, một cư sĩ Phật giáo hiện đang sinh sống tại thành phố Sài gòn
Tiêu đề do BBT đặt lại
Hình ảnh thêm về Lời Tổ dạy về y phục