Trong xã hội phong kiến, nam có quyền 5 thê, 7 thiếp, trong khi người phụ nữ lại phải: “Xuất gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”… Tuy nhiên, lý do gì khiến người phụ nữ Việt Nam khác xa với phụ nữ phương Đông cũng như phụ nữ Hồi giáo lúc bấy giờ? Điều này được nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng lý giải trong “Văn minh vật chất của người Việt”.
Làng xã là một xã hội rất khác so với những gì người ta quan niệm. Đàn bà ở đó không được đi học, họ được yêu nhưng lấy ai là do cha mẹ quyết định, có thời họ được thừa kế một phần tài sản của cha mẹ nhưng đại thể là không. Họ có nghĩa vụ yêu thương chồng con vô điều kiện, cấy cày và buôn bán. Như vậy, điều đó có nghĩa phụ nữ Việt hoàn toàn khác với phụ nữ phương Đông và phụ nữ Hồi giáo, những người cơ bản không phải ra chợ bán hàng hay lao động nặng ngoài đồng ruộng. Nhưng cũng vì thế mà người phụ nữ Việt có vai trò lớn trong gia đình.
Phụ nữ Việt xưa thường gửi gắm tiếng nói trong truyện thơ dân gian.
Người phụ nữ Việt xưa có có đời sống tinh thần riêng bởi Phật giáo và các truyện thơ dân gian. Cái lời ăn tiếng nói của đàn bà trong làng là một phần rất phong phú trong ngôn ngữ tiếng Việt. Thân em như giếng giữa đàng/ Người khôn rửa mặt người quàng rửa chân, Ước gì sống rộng đầy gang/ Bắc cầu giải yếm cho chàng sang chơi; Người khôn ăn nói giữa chừng/ Làm cho người dại nửa mừng nửa lo... Tất cả đều là tiếng nói của nữ nhi cả.
Trẻ con Việt trước tuổi đi học luôn ở cạnh bà, mẹ nên mới có câu “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Như vậy, đời sống tâm thức của chúng ta hoàn toàn từ kiến thức dân gian và tâm hồn thiên về cái tình của người phụ nữ. Rất ít người Việt có đời sống lý trí mạnh, mọi việc đều phải giải quyết theo cái tình trước.
Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt xưa
Nhưng phụ nữ Việt ngày nay, đã xa rồi cái thời trai 5 thê, 7 thiếp, người phụ nữ hoàn toàn có quyền quyết định được cuộc sống. Việc xây dựng gia đình hoàn toàn do người phụ nữ quyết định, không còn cái chuyện: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”.
Người phụ nữ cũng có quyền của một người công dân, nam hay nữ thì đều có quyền và nghĩa vụ như nhau. Đều phải có trách nhiệm nuôi dạy con cái, xây dựng hạnh phúc gia đình…
Nhưng vẫn còn những điều mà trải qua hàng trăm năm nó vẫn chưa hề mai mọt, đó chính là tình yêu chồng, tình thương con vô bờ bến của người phụ nữ. Thấp thoáng ở vùng quê hay thành thị nào đó ta vẫn bắt gặp hình ảnh người mẹ hình “đội nắng, đội mưa”, hi sinh vì hạnh phúc của con mình.
Hình ảnh thêm về Những điều còn - mất của phụ nữ Việt xưa và nay