Các tư tưởng chính yếu và căn bản của đạo Phật có thể được gói gọn trong Tứ Diệu Đế. Đây là 4 sự thật thâm diệu về cuộc sống, bao gồm Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế.
Khổ đế là sự thật về các vấn đề của đời sống: sinh, lão, bệnh, tử và những đau khổ về tâm lý như cô đơn, giận dữ, ưu phiền, thất vọng. Không chỉ vậy, tất cả những gì ra có được trên đời thường mang mầm mống đau khổ vì vì chúng chỉ là tạm bợ, không tồn tại lâu bền - chúng tạo sầu khổ và thất vọng cho những ai vì vô minh mà cứ tham luyến và bám lấy chúng. Những điều này là không thể tránh được mặc dù ta luôn cố gắng tránh né, không muốn dính vào chúng - là thực tế khách quan, không phải bi quan.
Hiểu được sự thật về khổ, Phật giáo đưa ra cách thức giải quyết các đau khổ đó và cách thức để có hạnh phúc thật sự. Những ai muốn tự do thoát khỏi các khổ đau cần có một thái độ đúng đắn, một tri kiến và trí tuệ để nhìn mọi sự vật trên đời. Cần phải học tập để nhận định sự vật đúng theo bản chất của chúng. Các sự cố bất toại ý của đời sống cần phải được quán sát, nhận định và thông hiểu.
Tập Đế Phật giải thích sự khởi sinh của đau khổ từ nhiều nguyên nhân và điều kiện, là sự thật sâu xa về luật Nhân Quả và Duyên Nghiệp.
Nguồn gốc của Khổ: Tất cả các loại đau khổ trên đời đều bắt nguồn từ lòng ái dục và tham thủ; tất cả các ham muốn ích kỷ đều bắt nguồn từ si mê, vô minh.
Vì không biết rõ bản chất của các sự việc trên đời nên con người tham muốn chiếm đoạt và làm nô lệ chấp chặt vào chúng. Do các tham muốn đó không được thỏa mãn, họ lại tạo ra sự buồn khổ và thất vọng cho chính mình. Từ các tham thủ biểu hiện qua lời nói, cử chỉ hoặc trong tâm ý, họ tạo ra các nghiệp hành gây đau khổ cho chính họ và cho người khác. Cuối cùng, đau khổ đó ngày càng chồng chất.
Ta sẽ bị phiền khổ nếu ta không có được những gì mình muốn. Thậm chí, ta còn mong đợi người khác phải tuân theo ý muốn của mình, phải làm giống như mình… Nhưng ngay cả khi có được điều mình muốn, cũng chưa chắc ta sẽ có hạnh phúc. Tâm khát khao ham muốn cướp đoạt của ta đã lấn át niềm vui, sự hài lòng và hạnh phúc. Vì vậy, thay vì kiên trì chiến đấu để thành đạt điều mong muốn, hãy cố gắng sửa đổi chính lòng ham muốn của mình.
Ta sẽ có thể chấm dứt đau khổ, đạt được trạng thái thỏa lòng và hạnh phúc nếu biết dứt bỏ ái dục, tu tập từng ngày.
Ngay cả khi chưa đạt đến sự giải thoát cuối cùng, những người đang tu tập cũng nhận thấy rằng khi sự vô minh và tham thủ được giảm bớt thì các phiền não cũng theo đó mà giảm thiểu. Khi đời sống của họ được hướng về từ bi và trí tuệ, thì bản thân họ và những người xung quanh cũng được hạnh phúc và an lành.
Khi người ta đạt được vô minh hoàn toàn nhờ trí tuệ chân thật và hủy diệt lòng tham thủ, ích kỷ, có thái độ đúng đắn của từ bi và trí tuệ, ta sẽ đạt được Niết Bàn - trạng thái của an bình tối hậu, hoàn toàn giải thoát khỏi mọi khổ đau. Từ đó, chúng ta bắt đầu sống an vui và tự do, có nhiều thì giờ và năng lực để giúp đỡ người khác.
Đạo đế là con đường hành đạo, là đường hướng sinh hoạt của mọi Phật tử, bao gồm các căn bản chính yếu của lời Phật dạy và đường lối thực hành để tiến đến Niết Bàn, giải phóng khỏi mọi ràng buộc vào cuộc sống luân hồi trong thế gian. Con đường nầy gọi là Bát Chánh Đạo, gồm có 8 yếu tố chân chánh, chia thành 3 nhóm:
- Giới: Chánh ngữ, Chánh nghhiệp, Chánh mạng
- Định: Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định
- Tuệ: Chánh kiến, Chánh tư duy
Một đời sống tốt đẹp không phải chỉ do cố gắng cải thiện các yếu tố ngoại vi liên quan đến xã hội và thiên nhiên, mà cần phải phối hợp với sự tu tập và cải thiện bản thân. Như vậy, cần giữ gìn giới hạnh, luyện tập tâm ý và khai phát trí tuệ, tức là:
- Không làm điều gì gây đau khổ cho mình và cho người khác
- Nuôi dưỡng điều thiện tạo an vui cho cá nhân và cho mọi người
- Thanh lọc tâm ý, loại trừ những nhơ bẩn của tham lam, sân hận và si mê.
Lam Lan
Hình ảnh thêm về Phật pháp căn bản: Tứ Diệu Đế là gì?