Khuyến là khuyến khích, động viên… còn phát ở đây là Phát tâm Bồ đề, là bước khởi đầu của con đường Bồ tát đạo. Phẩm 28, phẩm cuối của kinh Diệu pháp Liên hoa chính là phẩm Phổ Hiền Bồ-tát khuyến phát. Đã đến lúc không chỉ nói mà phải làm; không chỉ học, hiểu mà phải “đúng theo lời dạy mà tu hành”…
Tu và hành đi đôi với nhau. Tu để Hành và Hành để Tu. Pháp Hoa khởi đầu với Văn Thù và kết thúc với Phổ Hiền là “tri hành hợp nhất” đó vậy.
Bản hoài của chư Phật xưa nay chẳng phải là “Khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật” hay sao? Khai đã xong, đã cho thấy toàn cục bức tranh nhất thừa, đã cho thấy cái “Lý vô ngại”; Thị cũng rồi, khi mở toang cánh cửa tháp báu, cho gặp Như Lai Đa Bảo ngồi cười tủm tỉm bên trong, đã cho thấy cái “Sự vô ngại”;
Ngộ cũng đã hướng dẫn từng bước đi cụ thể qua hình tượng các vị Bồ tát thể hiện những hạnh Tôn trọng, Chân thành, Thấu cảm, Lắng nghe, Từ bi hỷ xả… và sau cùng cũng đã được trang bị vô số Đa-la-ni – thần chú, minh chú – tức những công thức vừa giúp trí nhớ vừa giúp nhất tâm bất loạn – để tự tại mà vào đời hành hiệp, “Lý sự vô ngại”. Bây giờ đã đến lúc Nhập với sự xuất hiện của một vị Bồ tát tiếng tăm lừng lẫy (danh văn) Phổ Hiền: “Sự sự vô ngại”. Có thể nói Hoa Nghiêm đã nở rộ ở Pháp Hoa!
Người xưa đã rất sâu sắc tạo nên hình tượng “tam thánh”: Phật Thích Ca ở giữa, Văn Thù cưỡi sư tử một bên và Phổ Hiền cưỡi voi sáu ngà một bên. Phật Thích Ca bấy giờ là Phật pháp thân, là Tỳ-lô-giá-na. Văn Thù với gươm báu trí tuệ trên tay, cưỡi sư tử oai dũng, “vô phân biệt trí”. Nhưng nếu chỉ dừng lại đó thì chưa đủ:
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành
Phổ Hiền chính là hành động, là vào đời, là từ bờ bên kia nhảy lại bờ bên này, để độ chúng sanh. Độ chúng sanh ấy là đoạn phiền não, độ người cũng là tự độ mình! Cho nên Phổ Hiền không dừng lại ở Lý mà đã chuyển thành Sự. Dĩ nhiên “Lý sự” đều đã viên dung vô ngại, để rồi bước thêm một bước đến “Sự sự vô ngại”, lúc đó thì như Duy Ma Cật “thõng tay vào chợ” mà không còn sợ hãi, lo âu… Nếu Văn Thù là thể: bất biến, thì Phổ Hiền là dụng, tùy duyên.
Phổ Hiền thưa Phật: “Con dùng tâm nghe và phân biệt những hiểu biết của chúng sanh… con cưỡi voi trắng sáu ngà phân thân trăm ngàn đến khắp… Dù người kia bị nghiệp chướng sâu nặng chưa thấy được con, con ở trong tối xoa đầu, an ủi ủng hộ, khiến người kia được thành tựu…” (Lăng Nghiêm).
Thiện Tài Đồng Tử trên hành trình của mình, đã khởi đi từ “vô phân biệt trí” của Văn Thù, đến đại từ đại bi của Quán Thế Âm để rồi sau cùng nhập thế, hành động theo nguyện hạnh Phổ Hiền với “sai biệt trí”. Có “sai biệt trí” mới chẩn đoán phân biệt đúng và điều trị đúng : cái nào ma, cái nào quỷ, cái nào là chúng sanh tham, chúng sanh sân, chúng sanh si, nghi, kiến, mạn v.v… để bốc thuốc ba chén sáu phân đủ liều đủ lượng.
"Lúc bấy giờ, Ngài Phổ Hiền Bồ Tát dùng sức thần thông tự tại oai đức danh văn, cùng vô lượng vô biên chúng đại Bồ-tát từ phương Đông mà đến".
Không như Diệu Âm mắt xanh dịu dàng với ngàn cánh sen nhẹ nhàng bay đến, rồi lẳng lặng bay đi, Phổ Hiền ầm ầm đến với đàn voi sáu ngà cùng với vô lượng vô biên các vị Đại Bồ-tát cùng đi, nên không lạ, "các nước đi ngang qua khắp đều rúng động, rưới hoa sen báu, trỗi nhạc" vang lừng!
(còn tiếp)
BS Đỗ Hồng Ngọc
Hình ảnh thêm về Phổ Hiền Bồ-tát khuyến phát (1)