Anh Quảng Phước lớn nhất được sư phụ giao nhiệm vụ quản chúng, chị Quảng Hoa phụ trách đời sống, chị Quảng Trâm lo về việc học tập của bọn trẻ hơn ba chục đứa, chỉ mình nó sư phụ lại đặt tên là Quảng Chân Tâm. Có lần nó thắc mắc thì được sư phụ dạy: Quảng là quảng đại, Chân Tâm là cái tâm chân chính, nguyên cái tên của con, thầy muốn sau này con có tấm lòng nhân ái biết yêu thương mọi người và chân chánh từ lời nói đến việc làm.
Mỗi lần lên chánh điện lạy Phật nó đều cầu nguyện cho sư phụ được sức khỏe vì hiện nay thầy đã lớn tuổi lại hay đau bệnh, cầu nguyện cho mọi người trong chùa biết sống lục hòa. Có một lời cầu nguyện nó giấu kín trong lòng, chưa hề nói với ai, chỉ có đức Phật và nó biết mà thôi, đó là đừng bao giờ gặp người đã từ chối và đem nó bỏ trước cổng chùa. Sau lần bị cô giáo chủ nhiệm đến chùa méc về tội đánh nhau với bạn, nó càng căm thù “người ấy” nhiều hơn. Nó rất ghét từ “con hoang” nên bao nhiêu trận đánh nhau với bạn cũng bắt đầu từ việc bị bạn gọi “mày là đồ con hoang”.
Tại sao ai cũng có cha mẹ mà nó thì không? Trong tâm tư của nó luôn có hai tư tưởng đối lập nhau: Muốn có cha mẹ để không phải tủi thân vì chúng bạn trêu chọc nhưng lại thù hận cha mẹ vì đã bỏ rơi nó. Hồi tháng trước có đoàn hành hương đến thăm chùa, nó cũng chẳng quan tâm mấy vì đang là mùa An cư nên nhiều đoàn đến cúng dường. Buổi tối sư phụ gọi nó lên liêu của ngài và cho biết có một Phật tử trong đoàn hành hương nhận ra nó là con vì cái bớt son ở bên má trái. Cô ấy rất hối hận, khi “gửi” con cho nhà chùa nuôi giúp cô chỉ mới 18 tuổi, do nông nổi, sợ ảnh hưởng đến gia đình, sợ bỏ học nửa chừng…hôm nay cô muốn nhận lại con. Sư phụ bảo nếu thử AND đúng thì sẽ cho mẹ con đoàn tụ.
Nó vô cảm trước tin này. Tại sao “người ấy“ ích kỷ, chỉ biết “sợ” cho mình mà không nghĩ rằng nó đã đau khổ như thế nào khi cả tuổi thơ của nó phải sống trong mặc cảm là con hoang. Lúc trước ao ước được gặp mẹ bao nhiêu thì giờ đây nó mong cho ”người ấy” đừng đến chùa, đừng làm cho nó tổn thương, hãy để cho nó làm con của sư phụ như những đứa trẻ mồ côi khác, cứ xem nó là đứa mồ côi từ tấm bé. Thà như vậy còn hơn! Nó trả lời thẳng thừng với sư phụ:
- Con không có mẹ, mẹ của con là thầy, xin thầy đừng bỏ con.
- Thầy đâu có bỏ con, con vẫn là đệ tử của thầy. Mẹ của con giờ đã thành đạt, là giám đốc của một công ty trách nhiệm hữu hạn, mẹ muốn đền bù cho con những lỗi lầm mà do vô minh mẹ đã làm tổn thương con…
Sư phụ còn nói nhiều nữa nhưng nó hầu như không nghe được gì? Nó gục đầu lên chân sư phụ khóc nức nở. Thương đứa đệ tử tội nghiệp, chưa hiểu luật nhân quả nên vị thầy cứ để yên cho nó khóc:
- Nếu nước mắt làm cho con vơi bớt nỗi khổ niềm đau thì con cứ khóc nhưng con nên nhớ, trên đời này không có gì tự nhiên. Mọi sự vật hiện tượng đều có nhân và duyên. Biết đâu trong quá khứ con đã từng gây đau khổ cho mẹ.
Trong Kinh Phạm Võng Đức Phật dạy: “Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta. Bao nhiêu đời kiếp ta từ đó mà sanh ra, nên chúng sanh trong sáu đường đều là cha mẹ của ta cả”. Con đừng oán trách cha mẹ nữa, trước kia mẹ của con do chưa hiểu đạo, nên đã gây ra lầm lỗi, bây giờ mẹ con đã ăn năn sám hối, con đừng cố chấp mà tạo nên tội lỗi.
Trong Kinh Tăng chi I, Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, có hai hạng người Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Đó là mẹ và cha. Nếu một vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm như vậy suốt một trăm năm cho đến khi cha mẹ trăm tuổi. Như vậy, này các Tỳ-kheo, cũng chưa làm đủ để trả ơn cho mẹ và cha, Nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội và tại đấy, cha mẹ có vãi đại tiện, tiểu tiện; dù như vậy, này các Tỳ-kheo, cũng chưa làm đủ để trả ơn mẹ và cha”.
Tháng bảy mùa Vu lan báo hiếu, chùa khai kinh “Báo đáp công ơn cha mẹ” từ tối mồng một, nó đã cùng với đại chúng tụng kinh Vu lan không biết bao nhiêu lần rồi nhưng hôm nay lòng nó rưng rưng cảm xúc. Nó thật sự hối hận, nước mắt tuôn trào.
Sau thời khóa, chờ cho mọi người ra về, nó lẳng lặng quỳ trước Đức thế Tôn với lời khấn nguyện: “Kính bạch Đức Thế Tôn, con pháp danh Quảng Chân Tâm, kể từ hôm nay xin sám hối những lỗi lầm đã qua. Con không còn giận mẹ nữa, xin cho con được gặp mẹ, xin cho con được nói với mẹ lời xin lỗi chân thành nhất. Xin Đức Phật luôn hiện hữu trong từng lời nói, từng suy nghĩ, từng hành động của con để cho mỗi lời nói, mỗi suy nghĩ, mỗi hành động của con đều là của Ngài”.
Sau lời sám hối, nó thấy lòng thanh thản và nhẹ nhỏm. Nhìn lên tôn tượng đức Bổn sư, nó thấy hình như Ngài đang mỉm cười với nó. Ôi! Nụ cười của Ngài từ bi biết bao nhiêu. Kính lạy Ngài, con nguyện xin sống thật xứng đáng với pháp danh mà sư phụ của con đã đặt là Quảng Chân Tâm.
Hình ảnh thêm về Quảng Chân Tâm