Ai đó trong chúng ta, với thân phận ly hương vì nhiều lý do hoàn cảnh khác nhau, chắc chắn cũng đều sẽ gần lại với nhau hơn ở tấm lòng day dứt thương nhớ về đất mẹ - Việt Nam. Tổ quốc trong chị là mảnh vườn, thửa ruộng, bờ ao, giếng nước. Tổ quốc trong anh là những kỷ niệm được gợi lại từ tên gọi của những miền đất mà gót giày lãng tử của anh đã hơn một lần đi qua. Tổ quốc trong em là những con đường, góc phố, quầy hoa, tiệm sách, rạp ciné, với ký ức thần tiên của tuổi học trò. Tuy vậy, khi bản thân tôi nhớ về Việt Nam, tôi lại nhớ về Sài Gòn với những con hẻm nhỏ muôn đời chằng chịt gắn bó với những khúc hát rao.
Sài gòn xưa
Hát rao - một đặc trưng của văn hóa người Việt. Phôi thai từ bao giờ chẳng rõ. Chỉ biết rằng, từ sáng tinh mơ đến tận đêm khuya khoắt, những khúc hát với nhiều cung bực trầm bổng luyến láy khác nhau như chở chuyên đầy đủ hương vị của tình người vang lên đây đó khắp các hang cùng ngõ hẹp giữa lòng Sài Gòn, nhắc chúng ta nhớ tới sự lam lũ, nhọc nhằn nhưng cần mẫn và siêng năng của một lớp người mà cái kế sinh nhai của họ chỉ nhờ vào mồ hôi, nước mắt và đôi bàn tay chai sần.
Trong cái tĩnh lặng của một buổi mai còn ướt sương, bạn có thể được đánh thức bởi một giọng rao mà không cần xem đồng hồ báo thức, bạn cũng biết đã gần 6 giờ sáng . Đó là tiếng rao của chị bán bánh mì. Cái giọng trong trong trẻo của người phụ nữ ấy cùng với sự luyến láy và kéo dài ở âm tiết cuối của câu rao, làm cho bạn có thể tuởng tượng ra được mùi thơm và hơi nóng của cả trạc bánh mì nóng hổi:
- Ai bánh mì nóng giòn...òn...òn... !
Và thế là một ngày bắt đầu.
Chừng một tiếng đồng hồ sau, với tiếng xích xe kéo rè rè, nhìn ra ngoài, bạn đã thấy anh hàng cháo sườn đang thong thả di chuyển lại từ phía đầu hẻm cất giọng rao:
- Cháo sườn...ườn....đơi... ơi... ! (cháo sườn đây)
Chỉ cần một cái ngoắc tay của bạn, thì nhanh thoăn thoắt, chiếc xe đạp với chiếc thùng nhôm có nắp đậy được ràng chắc chắn phía sau sẽ thắng két ngay trước cửa nhà bạn, bạn chỉ cần chìa ra cái chén, hoặc cái tô nhỏ, thế là bạn đã có một bữa điểm tâm cháo sườn vừa nóng vừa thơm thoang thoảng mùi hành hương và sườn heo, lại hết sức rẻ mà không cần phải bước ra khỏi cửa.
Quá 7g, nhiều tiếng rao với từng âm điệu khác nhau như muốn đồng loạt hợp sức mà lôi bạn ra khỏi chiếc giường êm ái để thưởng thức những thức quà điểm tâm này:
- Xôi khúc...úc...úc ...!
- Ai canh bún...ún...!
- Ai bắp dzã, xôi ...dzò...ò...ò...! ( bắp giã, xôi vò)
Đủ mọi thức quà được phục vụ tới tận cửa và đôi khi, không có sẵn tiền lẻ, bạn vẫn được cái khoát tay ra dấu... chuyện nhỏ, mai tính luôn... của người bán.
9g trở đi là giờ của những món ăn chơi:
- Xu xoa hột lựuuuuuuuuu nước dừaaaaaaaa
Gánh hàng trĩu nặng trên vai nhưng nhịp chân của chị lại như nhún nhảy, và hàm răng trắng đều như rạng ngời hơn trên khuôn mặt rám nắng đen giòn:
- Ai dza lợn, bánh bò bánh chuốiiiiiiiiii...
- Ai cơm zịu, xôi vòòòòò... ( cơm ruợu xôi vò)
Tiếng rao quà đã thế, còn những khúc rao khác cũng hết sức Sài Gòn mà chúng ta không thể nào quên:
- Mài kéo, mài daooooooo
Có khi, không hiểu vì muốn thay đổi tiết tấu, hay ông lão bắt đầu thấm mệt qua những con hẻm dài nối tiếp, mà điệp khúc trên chỉ còn mỗi :
- Kéo, daaooo… !
Tôi vẫn còn nhớ như in giọng rao lảnh lót của bà ve chai đã quen mặt với xóm tôi trên mười năm, mà dù ngày hè nắng rát, hay ngày mưa ướt đầm, chưa bao giờ hẻm tôi vắng giọng rao của bà:
- Ai giày dép đứt, thau nhôm mủ bể dze chai lông dzịt, tập cũ sách cũ, bánnnnnnn hôn... ?
Sôi nổi nhứt, vẫn là anh thu mua "tổng hợp", có khi ngang qua nhà bạn, dòm lom lom vô thấu bếp, rồi thong thả điểm tên từng món mà mua:
- Bình ga, bếp ga, bình chữa lửa, tăng điện giảm điện, cầu dao điện, bình ắc quy, đèn măng - sông, đèn nê - ông... bán hônnnnnnnn...
- Răng dzàng, răng bạc, đồng tiền xưa, bạc cắc xưa, mắt kiếng hư, gọng mắt kiếng gãy, nút măng sết, phim phổị..bán hôngggggg....
Anh chàng kẹo kéo với giọng rao mà mỗi lần cất lên thì con nít nhảy cà tưng, vỗ tay cười thích chí, và nhứt định đòi ba,má mua cho bằng được mới thôị. Đã lâu rồi, mà tôi vẫn nhớ câu rao dí dỏm mang thanh sắc ca dao của anh:
- Cô nào chồng bỏ chồng chê
Ăn cây kẹo kéo chồng mê chồng về...
Trong các lời rao lên bổng xuống trầm đủ điệu nam, giọng bắc quen tai, tôi không bao giờ quên giọng rao lơ lớ của mấy người khách trú (người Hoa Kiều):
- Dép cũ lỗi (đổi) dép móiiiiii (mới)...
Nghĩa là bạn có thể lấy đôi dép nhựa cũ sứt quai vẹt gót của mình, bù thêm ít tiền và đổi thành đôi dép mới nào mà bạn vừa ý từ gán hàng của anh.
Hoặc câu rao rất ngộ nghĩnh:
- Dzăng dzàng, dzăng pạc, chồng dzăng bịt dzăng, nhứt dzăng lau dzăng, nhổ dzăng hỏng lau, lau hỏn lái tèn...aaaaa (răng vàng, răng bạc, trồng răng bịt răng, nhức răng, đau răng, nhổ răng hỏng đau, đau hỏng lấy tiền... )
Đó là lời rao của ông khách trú nha y bình dân quen thuộc của hẻm tôi.
Kể sao cho hết tất cả những khúc hát rao của Sài Gòn đã như một di sản văn hóa và từ từ đi vào tâm hồn mỗi người chúng ta. Chiều nay, sau một ngày dài bù đầu mệt mỏi vì công việc nơi sở làm, bạn và tôi lại chen chúc lẫn nhau trong một chuỗi dài xe cộ lũ lượt trên một highway nào đó, có bao giờ những ánh đèn đường trên những con lộ cao tốc này, một lần, nhắc bạn và tôi về những con phố Sài Gòn, với những con hẻm nghèo luông tuồng chằng chịt đan nhau mà đâu đó, vào bất cứ lúc nào cũng có thể vang lên một khúc hát rao hàng đủ làm ấm được lòng người.
(khuyết danh)