Một sư thầy"đập hộp” Iphone 6 hoàn toàn không đại diện cho hàng ngàn, hàng vạn tăng ni đang ngày ngày phụng sự Phật pháp theo đúng giáo lý nhà Phật. Hoan nghênh xử lý kịp thời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương đối với sư thầy Thích Thanh Cường bởi vì cho dù chỉ là số ít, những việc làm như vậy đã làm ảnh hưởng đến phẩm chất của người tu hành và niềm tin vào đạo pháp.
Thông tin mới nhất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương đã có cuộc họp xem xét kỷ luật và đề nghị cảnh cáo, bãi miễn chức vụ Trưởng ban Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đối với sư thầy Thích Thanh Cường. Quyết định này được căn cứ vào Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà theo đó, việc làm của thầy Cường đã làm ảnh hưởng đến phẩm chất của nhà tu hành, tạo hiệu ứng xã hội không tốt trên cộng đồng mạng, cũng như ảnh hưởng đến uy tín và thanh danh của Giáo hội.
Nghiêm trì giới luật (ảnh minh hoạ)
Như đã nói ở trên, một sư thầy Thích Thanh Cường chụp ảnh với điện thoại xa xỉ, đắt tiền khoe mình trên facebook không phải là hình ảnh đại diện cho tăng ni trong cả nước. Nhưng qua hình ảnh một sư thầy như vậy lại khiến dư luận râm ran và có những liên hệ đâu đó với những hình ảnh cũng từng bắt gặp ở ngoài đời: Có nhà tu hành dùng xe sang, điện thoại đắt tiền và nói bằng ngôn ngữ rất "nhập thế”…Có nghĩa là có những việc vốn rất xa lạ với giáo lý nhà Phật nay đã xuất hiện và cũng không quá hiếm hoi.
Không phải ngẫu nhiên mà ở Việt Nam, những nơi được coi là "cõi Phật” như Chùa Hương, như Yên Tử lại đều là những nơi "cách trời ba thước” hoang sơ thăm thẳm. Sau này với sự hỗ trợ của cáp treo hiện đại người đời nay cũng còn mướt mồ hôi mới đến được những nơi như thế để hình dung ra từ thế kỷ 13, Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đã phải khó nhọc trên bước đường tìm đến Yên Tử tu hành như thế nào. Không ai bắt buộc tôn giáo là khổ hạnh, dù một số tôn giáo đã được bắt đầu bằng sự khổ hạnh. Nhưng giáo lý nhà Phật nhằm vào việc giải thoát chúng sinh thoát khỏi cái khổ sinh tử luân hồi, bằng việc không còn bị nhiễm bui trần gian. Nay không ai thấy các nhà tu hành còn cần thiết phải khổ hạnh nhưng nếu nhà tu hành còn "dục ái” là chưa thấm nhầm cơ sở tư tưởng và cốt lõi của Phật pháp: "Một khi gốc của mọi tham ái được tận diệt, vô minh tận diệt thì sự khổ cũng được tận diệt. Đó là trạng thái Niết bàn”. Mà mục đích tối thượng của Phật giáo là hướng tới Niết bàn.
Phật giáo Việt Nam trong hành trình đồng hành cùng dân tộc là một tôn giáo lớn. Nhiều thế hệ người Việt Nam mang trong tâm khảm một góc chùa làng như một phần đẹp đẽ của tâm hồn, của đức tin. Người Việt Nam theo đạo Phật hay không phải là phật tử thực sự (theo nghĩa quy y tam bảo) đều thể hiện sự tôn trọng, thành kính với các bậc tu hành. Thầy chùa ở mỗi làng quê như là biểu tượng của đạo hạnh và giác ngộ.
Cơn lốc của văn minh vật chất, của chủ nghĩa hưởng thụ quét qua toàn thế giới, tràn vào mọi ngóc ngách đời sống nhân loại, kể cả những nơi chốn mà sự giữ mình có ý nghĩa như là thước đo phẩm giá. Một Thượng tọa từng so sánh rằng vào thời vật chất còn thiếu thốn, những vị tu theo hạnh đầu đà, ngày ăn một bữa, đêm ngủ dưới gốc cây thì số người đạt tới chính quả rất nhiều. Cho nên vật chất đầy đủ chưa hẳn đã là điều tốt nếu không biết tiết độ. Có một nhà nghiên cứu Phật giáo đã viết: "Nếu là một người tu hành chân chánh thì không nên quá bận rộn với việc tìm cầu vật chất, tạo dựng cho mình một những ngôi chùa to, tượng Phật lớn mà quên đi nhiệm vụ chính của người tu là phải tu”. Cũng nhà nghiên cứu này đã nói đại ý: Người thế gian cần làm ra nhiều vật chất để phát triển xã hội. Còn người tu hành chỉ cần vật chất vừa đủ để duy trì cho cơ thể khoẻ mạnh.
Theo đạo lý truyền thống Việt Nam, xã hội Việt Nam cực kỳ trọng vọng những "ông thầy” trong thiên hạ. Ví dụ thầy thuốc, thầy giáo, thầy tu…Tiêu chuẩn này áp dụng vào cả luật pháp và đạo lý cho dẫu có là thời hiện đại thì cũng không khác là mấy. Có nghĩa là càng chức vụ cao, trọng trách cao, càng có vị trí được xã hội tôn trọng càng phải bị (hoặc là được) tuân theo những tiêu chuẩn khắt khe hơn. Điều này đồng nghĩa với việc những người đã ở vào những vị trí ấy bắt buộc phải "tiết độ”, giữ mình.
Hành động của sư thầy Thích Thanh Cường, tuy là cá biệt nhưng dù giải thích thanh minh thế nào cũng là việc không đáng có. Xử lý kịp thời của Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương là để giữ gìn sự tôn nghiêm, tính nguyên tắc của một nguyên lý tôn giáo và bảo vệ đức tin của xã hội đối với chốn tu hành.
Cẩm Thuý/daidoanket
Hình ảnh thêm về Tiết độ, giữ mình